Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chuyện lắm mối tối nằm không đã xảy ra với xăng dầu

(VTC News) -

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10, kỳ họp thứ 4, QH khoá XV.

Kinh doanh không lợi nhuận, doanh nghiệp đóng cửa hàng

Lý giải vì sao một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực phía Nam đóng cửa, ông Diên cho rằng, không có sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như dư luận nghi ngờ, bởi năng lực sản xuất của 2 nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn đảm bảo cung cấp 80% nhu cầu sử dụng trong nước với khối lượng 2,5-2,6 triệu khối. Cùng với đó là 34 doanh nghiệp đầu mối nhập 500.000 khối.

“Như vậy, tổng lượng xăng dầu của chúng ta tương đương 3 triệu khối, đáp ứng nhu cầu sử dụng hết tháng 11 chứ không chỉ trong tháng 10. Còn lại thời gian tới các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu, 2 nhà máy tiếp tục sản xuất”, ông Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Việc xử lý một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vi phạm không khó, nhưng không thể để các doanh nghiệp này ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ, người tiêu dùng".

Về nguyên nhân vì sao một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực phía Nam đóng cửa, ông Diên cho biết, do doanh nghiệp nhập vào thì giá cao, lúc bán thì giá thấp, đồng thời phải gánh các chi phí khác như bảo quản, dự trữ xăng dầu (800 đồng), hao hụt, mức chiết khấu có biến động tăng giảm liên tục, có những giai đoạn chiết khấu 0 đồng/lít...

“Thời gian qua, chúng ta đã siết chặt quản lý, xử lý xăng dầu lậu, xăng dầu giả đã hạn chế một phần nguồn cung. Trong bối cảnh giá nhập vào thì cao, giá bán liên tục giảm nên doanh nghiệp không mặn mà nhập khẩu xăng dầu hoặc có nhập nhưng lấy lý do hết hàng, không bán cho các doanh nghiệp đầu mối”, ông Diên nói. 

Cùng với đó là các khoản vay cho doanh nghiệp hạn chế, khó tiếp cận nên doanh nghiệp xăng dầu không có tiền nhập xăng dầu. Ngoài ra, do trước đây có nhiều nguồn cung, các doanh nghiệp bán lẻ ký hợp đồng mua bán với nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu.

Nhưng vì có nhiều nguồn lấy hàng với giá cạnh tranh, thậm chí khu vực TP.HCM có một số lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu giả, xăng dầu lậu nên có doanh nghiệp bán lẻ suốt thời gian dài ký hợp đồng mua hàng mà không lấy.

“Hồi tháng 8 chúng ta tiếp tục bắt được những vụ làm giả mấy trăm triệu lít xăng dầu, đấy là tảng băng nổi chứ còn chìm nó là bao nhiêu thì cần thời gian để làm rõ. Bây giờ chúng ta đánh mạnh vào xăng dầu giả, siết chặt xử lý xăng dầu lậu và chỉ còn xăng dầu chính thống. Nay do nguồn cung khan hiếm, một số doanh nghiệp quay trở lại lấy hàng và bị doanh nghiệp đầu mối từ chối bán hàng. Cho nên câu chuyện lắm mối tối nằm không đã xảy ra với xăng dầu”, ông Diên dẫn chứng.

Lý giải về việc một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vi phạm trong việc nhập khẩu, cung cấp xăng dầu, Bộ trưởng Diên cho biết: “Việc xử lý cũng cần phải cân nhắc, bởi không thể thu hồi giấy phép khi họ vi phạm lần đầu. Vì việc thu hồi giấy phép không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bị thu hồi, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ, vì họ sẽ không có hàng để bán. Do vậy, nếu vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, lần hai sẽ xử phạt hành chính và tái phạm lần 3 mới tính đến việc thu hồi giấy phép. Chúng ta không thể để cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vi phạm mà khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ảnh hưởng, gây tác động xấu đến thị trường, đến người tiêu dùng. Nghĩa là chúng ta không thể để quýt làm cam chịu””, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Tháo gỡ cho các doanh nghiệp xăng dầu

Theo ông Diên, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN và đời sống người dân.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới.

Theo ông Diên, về nội dung này, Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

“Điều này là phù hợp với thực tế, do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức trần, mức chiết khấu xăng dầu là yếu tố quan trọng phản ánh được tính thị trường trong kinh doanh xăng dầu, giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho phù hợp với tình hình cung cầu, mức chi phí trong giá thành mặt hàng xăng dầu trên thị trường”, ông Diên nói.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 33 - 1.500 đồng/lít tùy loại) trong những giai đoạn giá xăng dầu tăng cao (nhất là trong Quý II/2022) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Ngoài ra, để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.

Bộ cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường...

PHẠM DUY

Tin mới