Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng KH&CN: 'Có chủ trương hút nhân tài, nhưng triển khai rất loay hoay'

(VTC News) -

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận có chủ trương hút nhân tài, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, vấn đề tài chính.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận có chủ trương hút nhân tài, nhưng khi triển khai rất loay hoay.

Tham gia tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sáng 7/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, Việt Nam đã có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về việc quản lý mô hình này 4 năm qua (từ 2019) rút ra kinh nghiệm gì, ứng dụng trong 3 trung tâm mới ra sao.

"Định hướng phát triển nhân tài thực hiện rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chiêu mộ nhân tài về Bộ làm việc", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tranh luận sáng 7/6.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói, Trung tâm Đổi mới sáng tạo được thành lập ở Hà Nội, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ở đây có nhiều mô hình, cách làm đáng để học tập, lan tỏa ra các trung tâm ở nơi khác. Kinh nghiệm là cần có chính sách đặc thù giãn thuế, kết nối với các quỹ đầu tư bảo hiểm hiệu quả. Ngoài ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nghiên cứu và đầu tư.

Về vấn đề thu hút nhân tài, Bộ trưởng Đạt thừa nhận đây là điều rất trăn trở khi về nhận công tác ở Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học.

"Có chủ trương hút nhân tài, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính", Bộ trưởng nói.

Ông Đạt chia sẻ thêm, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức. Bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất. Bộ sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, mong đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Trong phần chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách) đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, số đề tài sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực. "Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt trong quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh", đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học và Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.

Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.

Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường xuất hiện trên bản đồ xếp hạng thế giới. Đây là kết quả phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Theo ông, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Hà Cường

Tin mới