Nói về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng những vướng mắc cần có sự giải thích về luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.
Với ý kiến cho rằng định mức đầu tư công có thể gây lãng phí, ông Phớc bày tỏ quan điểm lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà nằm ở việc triển khai như ăn bớt khối lượng, ăn bớt chất lượng trong thi công, để công trình lãng phí kéo dài, quá trình triển khai dài, triển khai chậm… gây lãng phí.
"Qua nghiên cứu, định mức do Bộ Xây dựng ban hành đối với công trình giao thông, công trình kiến trúc chúng tôi không thấy sự lãng phí. Thậm chí nhiều định mức còn thấp thua so với thực tế chi phí.
Chẳng hạn chi phí nhân công cao nhất của định mức là 300.000 đồng/người/ngày. Nhưng trên thực tế người ta có thể phải chi đến 500.000 đồng/người/ngày. Do đó, lãng phí của đầu tư công không phải nằm ở định mức mà nằm ở quá trình triển khai”, Bộ trưởng Phớc dẫn chứng.
Theo ông Phớc, các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng ãng phí của đầu tư công không phải nằm ở định mức mà nằm ở quá trình triển khai. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí.
Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
Cũng theo ông Dũng, về chi thường xuyên, vấn đề không hẳn là do Luật Đầu tư công mà còn liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước. Về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ, thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định.
Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công cũng như với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản không năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng ban hành ba quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.
Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công.
"Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công", Bộ trưởng nói.