Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Giao thông Vận tải và khát vọng cao tốc, nhà ga, bến cảng khổng lồ

(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trăn trở khi còn nhiều điều chưa thể thực hiện trong một năm ngành GTVT chịu những tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19.

Năm 2021, ngành GTVT trải qua một năm đầy biến động, khó khăn bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh “mảng tối” do hệ lụy dịch bệnh, ngành vẫn có những điểm sáng từ việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo giao thông và giải ngân vốn đầu tư công.

PV VTC News có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022.

- Trải qua một năm với nhiều khó khăn do dịch bệnh, đất nước phải căng mình chống dịch và phát triển kinh tế, ngành GTVT đã phải “vượt khó” thế nào, thưa ông?

Bước vào năm 2021, ngành GTVT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác đảm bảo giao thông, hoạt động vận tải trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo giao thông thông suốt.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. 

Điều rất mừng là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch, nhưng khối lượng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng trong cả nước vẫn tăng 6%. Đây chính là thành tựu lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2021.

Trong năm qua, Bộ GTVT hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT, sớm nhất trong 37 quy hoạch chuyên ngành của cả nước. Đây cũng là cơ sở quan trọng để 63 tỉnh, thành trong cả nước hoàn thiện quy hoạch của địa phương mình.

Điều rất mừng là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch, nhưng khối lượng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng trong cả nước vẫn tăng 6%. Đây chính là thành tựu lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Số vốn kế hoạch năm 2021 của Bộ GTVT được giao lên tới hơn 43.000 tỷ đồng. Bộ GTVT dự kiến giải ngân được hơn 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% kế hoạch, cao hơn rất nhiều so với khối lượng giải ngân của năm 2020 (31.000 tỷ đồng).

Bộ GTVT cũng hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Điển hình là dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, sau nhiều năm phấn đấu đã đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2021. Trước đó, đầu tháng 1/2021, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dù quy mô, tổng mức đầu tư không lớn nhưng là biểu tượng, là cửa ngõ huyết mạch của Thủ đô Hà Nội cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, có thể kể đến hai dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào cuối năm 2021, đúng theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đến nay cũng cơ bản đảm bảo tiến độ triển khai theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2 (Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam).

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong suốt 10 năm qua, tai nạn giao thông liên tục giảm từ 5 - 10% mỗi năm ở cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Riêng năm 2021, cả 3 tiêu chí này giảm sâu từ 10 - 20%.

Năm 2021, Bộ GTVT đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung giải quyết các thủ tục chồng chéo; công tác tinh giản biên chế đem lại nhiều kết quả khả quan…

- Trong điều kiện khó khăn, nhiều tỉnh thành phải phong tỏa để chống dịch, giao thông giữa các địa phương bị ảnh hưởng. Vậy với kết quả đạt được, ông có thấy hài lòng và điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Nếu nói hài lòng trước các kết quả đạt được, có lẽ chúng tôi chưa bao giờ hài lòng, bởi, sinh thời Bác Hồ đã nói: Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ.

Chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân, kết quả thực hiện quy hoạch và công tác đảm bảo giao thông trong năm 2021, chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng xét về tình hình vận tải của cả nước, trong đó có lĩnh vực đường sắt, đường bộ và hàng không thì chúng tôi cảm thấy còn nhiều điều phải trăn trở, khi chưa thể giúp các lĩnh vực này phát triển bền vững trong bối cách tác động của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa có tính ổn định lâu dài. Tiến độ của một số dự án còn chưa đạt so với yêu cầu. Việc đầu tư, phát triển các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tự nhiên như đường thủy nội địa, hàng hải vẫn chưa thực sự được đầu tư tương xứng. Cơ chế huy động nguồn vốn xã hội trong đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn rất nhiều khó khăn…

- Ông có nói đến giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT năm qua đạt kết quả cao hơn rất nhiều năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, giải pháp nào giúp Bộ GTVT đạt được kết quả này?

Để có được kết quả đột phá về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đầu tiên là trong nội bộ, chúng tôi thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT đều tổ chức họp giao ban để kiểm điểm về công tác đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công. Khi nhận thấy dự án nào bị chậm chúng tôi sẽ chỉ đạo điều chuyển ngay vốn sang dự án khác có tốc độ giải ngân tốt hơn.

Đối với nhà thầu, chúng tôi cũng rất quyết liệt. Nhà thầu nào thi công chậm, Bộ GTVT sẽ đưa ra các văn bản cảnh cáo, nếu đến lần thứ ba nhà thầu vẫn không có chuyển biến sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng việc cắt chuyển khối lượng, giao cho nhà thầu khác thi công nhanh hơn, tốt hơn.

Mặt khác, trong năm 2021, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tổ chức thi công. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh công tác cấp phép mỏ đất, tháo gỡ nguồn cung ứng vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp tổng thể và sự phối hợp chặt chẽ như vậy nên năm 2021, Bộ GTVT đã giải ngân đạt khoảng 96% số vốn kế hoạch được giao.

- Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ hiện thực hóa các mục tiêu trong “5 quy hoạch chuyên ngành” thế nào để tạo ra sự đột phá về hạ tầng, thưa ông?

Sau khi các quy hoạch đã được công bố, chúng tôi đang xây dựng đề án để tập trung thực hiện. Trong các quy hoạch có rất nhiều đột phá, ngoài nguồn vốn được bố trí từ ngân sách Nhà nước, để thực hiện các quy hoạch này cần thiết phải có các cơ chế huy động vốn xã hội hóa, sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp.

Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2021.

Chẳng hạn, trong quy hoạch hàng hải, chúng tôi đưa ra 3 mũi nhọn. Đầu tiên là trong thời gian tới phải hình thành cảng Trần Đề ở khu vực phía Nam bằng vốn xã hội hóa. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng các cơ chế, chính sách để tham mưu Chính phủ sớm thực hiện dự án này.

Tiếp theo, ở phía Bắc sẽ hình thành cảng Nam Đồ Sơn cùng cảng Lạch Huyện tạo đột phá cho khu vực. Tại khu vực Đông Nam bộ đã có cảng Cái Mép - Thị Vải, sắp tới, chúng ta sẽ tập trung để đưa cảng này thành cảng trung chuyển gom hàng từ các nước lân cận chuyển tải nước ngoài.

Những việc này là doanh nghiệp làm, Nhà nước không làm. Do đó, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Về đường thủy, quy hoạch xác định khai thác hiệu quả lợi thế về hệ thống đường thủy tại nước ta, đặc biệt là khu vực phía Nam và tạo sự đột phá trên lưu vực sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ ở phía Bắc, trong đó ưu tiên phát triển các cảng thủy, các kho hàng logistics, container để tạo đột phá cho vận tải thủy Đồng bằng sông Hồng, nâng cao tĩnh không các cầu hiện hữu để tăng năng lực chở container trên các tuyến đường thủy quốc gia, kết nối các tuyến đường thủy nội địa với các cảng biển; thúc đẩy phát triển vận tải ven bờ…

Cùng đó, ở phía Bắc, Bộ GTVT đang phối hợp với TP Hà Nội chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam, ngang với sân bay Long Thành.

Ở lĩnh vực đường bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rõ: Đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Thời điểm này, chúng ta mới có 1.163km, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km. Bộ GTVT đang tích cực triển khai các đề án để hiện thực hóa các quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn có hạn nên các dự án trọng điểm, dự án đột phá của ngành GTVT sẽ được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách.

Quy hoạch cảng biển sẽ ưu tiên phát triển cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế.

Còn lại, các dự án có tính thương mại cao như: Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, đường Vành đai 4 TP Hà Nội hay các dự án ở miền Đông Nam bộ, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp…, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa hoặc hình thành các quỹ đầu tư giúp các doanh nghiệp tiếp cận thực hiện quy hoạch.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT là phải cụ thể hóa được 5 quy hoạch chuyên ngành, đặc biệt là việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn vốn trong xã hội, trong nhân dân để thực hiện các quy hoạch đề ra.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thái Linh - Hoàng Hưng

Tin mới