Chia sẻ trên được nêu tại lễ trao quyết định của Thủ tướng về việc chuyển trường Đại học Kinh tế quốc dân thành Đại học Kinh tế quốc dân và trao quyết định của Bộ GD&ĐT công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, diễn ra sáng nay (12/1).
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, từ nay, cái tên Đại học Kinh tế quốc dân sẽ thay thế cho trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sự khác biệt không chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong tên trường mà còn mở đường cho chữ "đại" lên đầu và giúp trường hướng tới cái đại trên mọi phương diện.
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, đại học và trường đại học khác nhau không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn và cũng có thể có kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Đại học quan trọng ở chỗ, đây là thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới phát triển và lớn mạnh.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu.
Mô hình đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị.
Đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên thời gian tới, Đại học Kinh tế quốc dân cần hướng tới đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, đa ngành không có nghĩa đào tạo tất cả theo những gì người khác làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của Đại học Kinh tế quốc dân cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới.
Ngoài ra, với thầy cô trong ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ hiệu trưởng sang giám đốc không chỉ là đổi mới về tên mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất.
"Đại học Kinh tế quốc dân lựa chọn huyển đổi sang mô hình phát triển mới - mô hình đại học - để thực hiện cuộc lột xác, thay đổi về chất bên trong và hình vóc bên ngoài, quyết tâm đổi mới và phát triển, đó chính là khát vọng mới và tầm nhìn mới", Bộ trưởng nói và tin tưởng vào hướng đi mới này.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Sơn yêu cầu Đại học Kinh tế quốc dân rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển; phát huy, duy trì thế mạnh truyền thống đào tạo kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đồng thời có những chuyển đổi để phù hợp với xu thế đào tạo, nghiên cứu hiện nay ở trong nước.
Đại học Kinh tế quốc dân cần tạo cơ chế, quy định nội bộ để phát huy quyền tự chủ tốt hơn theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, phát huy sự năng động sáng tạo của các trường thuộc, các đơn vị, bộ phận trong toàn hệ thống.
Nhà trường cần xây dựng hệ thống quản trị đại học thông minh, hiện đại, kết hợp với tự chủ đại học, phân cấp, phân quyền, chủ động đầu tư chiều sâu và tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Về công tác tổ chức, mỗi trường, đơn vị, tổ chức bên trong Đại học Kinh tế quốc dân cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp và phải là phần ghép hữu cơ không thể thiếu, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giao nhiệm vụ cho nhà trường.
Ngày 15/11/2024, Thủ tướng ký quyết định chuyển trường Đại học Kinh tế quốc dân thành Đại học Kinh tế quốc dân - là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Đại học Kinh tế quốc dân trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam, bên cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Duy Tân. Trong đó, Đại học Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên ở nước ta.