Sáng 27/1, ông Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có bài tham luận với một số nội dung đáng chú ý.
Trong bài tham luận, Bộ trưởng Nhạ cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự nghiệp GD&ĐT nước ta tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thăng hạng quốc tế
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động đạt 99,98%. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa với một số đối tượng trẻ vùng khó khăn; trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.
Cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh); phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore).
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đọc tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, giáo dục Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.
Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở top đầu của khối ASEAN; giáo dục tiểu học đứng vào top đầu của các nước ASEAN. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam đạt kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam đạt 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với năm 2011-2015 (27 huy chương vàng).
Với giáo dục đại học, Bộ trưởng Nhạ cho biết, nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Hầu hết các trường thí điểm tự chủ bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 trường đại học vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á.
Cùng với đó, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29, toàn ngành giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Hệ thống thống kê về giáo dục đại học được triển khai đến nay thu thập được khoảng 1,3 triệu hồ sơ sinh viên, 94 nghìn hồ sơ giảng viên từ 247 trường đại học, học viên, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành.
Đồng thời, Việt Nam cũng thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và lãnh thổ. Giai đoạn 2013-2017, 68 thỏa thuận quốc tế và 23 Điều ước Quốc tế được ký kết, tăng 15% số lượng văn bản ký kết so với cùng kỳ những năm trước.
Đến năm học 2020, Việt Nam có hơn 21.000 lưu học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.
Trong bài tham luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, bên cạnh kết quả, thành tựu ngành giáo dục đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn hội đồng trường còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò.
Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.
Một số hạn chế khác được Bộ trưởng chỉ ra như quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.
5 giải pháp đột phá
Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, Bộ trưởng GD&ĐT đưa 5 nhóm giải pháp cơ bản cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục chọn đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường là giải pháp đột phá. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các trường và các địa phương.
Đồng thời, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương.
Học sinh học bài. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại trường mầm non, phổ thông. Từ đó, khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao, ưu tiên tài chính và quỹ đất để bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày.
Bộ cũng tiếp tục cho sắp xếp lại các đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Hình thành một số đại học, trọng điểm và khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Bảo đảm 100% các trường cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần tập trung phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, nhất là xét tuyển học sinh đầu cấp. Thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường.