Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ trưởng Công Thương: Đến năm 2025, 100% người dân được cấp đủ điện

(VTC News) -

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đến 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp điện cho tất cả hộ nông dân ở các vùng miền núi xa xôi và hải đảo.

Chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về tỷ lệ người dân chưa có điện lưới quốc gia.

Ông Tuấn Anh khẳng định cấp điện lưới quốc gia cho tất cả mọi người dân là một nhiệm vụ ưu tiên. Quyết định 1740 của Thủ tướng xác định đến hết năm 2020, phải bảo đảm 100% người dân có điện lưới quốc gia, trong đó gần 9 nghìn thôn bản phải có điện lưới. Còn những vùng khó khăn phải dùng điện tái tạo nếu không có điều kiện tiếp cận lưới điện.

"Ngay từ đầu, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có dự trù nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho nhiệm vụ này, từ 2016 - 2018 đã bố trí hơn 4.700 tỷ đồng. Đến 2018, đã đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia nhưng số thôn bản thì không đạt, lý do là vướng trần nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo cấp có thẩm quyền chưa tiếp tục triển khai chương trình này. Đến nay, nợ công đã ở mức an toàn thì các cơ quan tiếp tục báo cáo Quốc hội tiếp tục triển khai và huy động hơn 21.000 tỷ đồng để đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu cấp điện cho 100% người dân, kể cả miền núi và hải đảo", ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Cũng liên quan đến vấn đề điện, sáng 9/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) nêu vấn đề: Tại sao quy hoạch điện 7 thực hiện lại khác so với quyết định ban đầu? Bao giờ có quy hoạch điện 8, có tính đến khai thác nguồn năng lượng tái tạo từ biển không, đặc biệt là từ sóng biển?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, quy hoạch điện 8 đã được các cơ quan cấp Bộ thẩm định và Bộ Công Thương sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng trong tháng 12, phấn đấu đầu năm 2021 phê duyệt quy hoạch điện 8.

Ông Tuấn Anh cũng giải thích về việc quy hoạch điện 7 bị điều chỉnh nhiều trong quá trình thực hiện, nhiều điểm phải thay đổi, không đúng với các nội dung được phê duyệt ban đầu, gây khó khăn cho điều hành.

Người đứng đầu Bộ Công Thương chia sẻ, quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh trong giai đoạn 2016-2020, đất nước phát triển đã đặt ra nhiều nhiệm vụ mới, có điều chỉnh mới, ví dụ với quy hoạch điện là cho dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một số dự án nhiệt điện than bị dừng lại, một số khác thì triển khai chậm.

Thậm chí có dự án trong quá trình triển khai phát hiện sai phạm, như dự án nhiệt điện Thái Bình 2, đã bị chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu, đảm bảo cân đối cung - cầu điện.

Trong thời gian đó, công nghệ, kỹ thuật phát triển, một số lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió đã được đầu tư phát triển mạnh. Do đó, Chính phủ đã điều chỉnh Quy hoạch điện VII để đáp ứng với thực tiễn và yêu cầu phát triển năng lượng đất nước.

Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch phát triển điện tái tạo, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững lâu dài. Ông Tuấn Anh cho biết quy hoạch điện 8 sẽ phản ánh đầy đủ nhu cầu phát triển của năng lượng điện mới.

Chắc chắn các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch sẽ được quan tâm, xây dựng mang tính bài bản đảm bảo cân đối giữa công suất phát và các vùng phụ tải, giảm bớt thất thoát, tiêu hao năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Quy hoạch Điện 8 được thiết kế gồm 18 Chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có NLTT cho phát điện; Chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Cơ chế và giải pháp thực hiện Quy hoạch…

Quy hoạch Điện 8 đã được triển khai được hơn 1 năm. Đã có 9 Chương đầu của Quy hoạch được hoàn thành. Sau Hội thảo này, dự kiến Hội thảo lần 2 về QHĐ 8 sẽ được thực hiện vào tháng 9/2020.

Linh Phi

Tin mới