Cụ thể, tại công văn số 973 /BTC-QLG gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ, ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu (ngoài nhà cung cấp đại lý), trừ trường hợp có ràng buộc hợp đồng nhưng khi nhà phân phối hết hàng đại lý được phép mua nhà phân phối khác để bán.
Quy định chất lượng xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với xăng dầu nhập khẩu để xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công ty nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại.
Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu. (Ảnh minh họa: Người lao động)
Nói về một số lập luận của Bộ Công Thương khi tham gia ý kiến đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng có một số ý kiến Bộ Công Thương đã nhận định chủ quan.
Cụ thể, tại dự thảo Tờ trình Thủ tướng, Bộ Công Thương nhận định: “Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động”. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên.
Lý do là theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở). Vì vậy, những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua.
Mặt khác là những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Đối với việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở, Bộ Tài chính khẳng định “đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021”.
Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Lần 1 vào ngày 10/1/2022, lần 2 vào ngày 10/7/2022 và lần 3 vào ngày 8/11/2022; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và theo quy định: Lần 1 vào ngày 10/1/2022 và lần 2 vào ngày 7/10/2022.
Bộ Tài chính kết luận: “Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính tỏ ra thận trọng với phương án sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá Platts, các loại thuế, trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, lợi nhuận định mức; các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
"Do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, việc thay đổi ngay và căn bản cơ chế cần phải có đánh giá cụ thể để xác định thời điểm, lộ trình phù hợp", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Bộ Tài chính từ chối là đầu mối quản lý giá xăng dầu
Theo Bộ Tài chính, việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá chuyển về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân.
Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành.
Bộ Tài chính từ chối là đầu mối quản lý giá xăng dầu. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính nêu quan điểm cần giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí (bao gồm các nhiệm vụ về tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát việc thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu); Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.
Theo Bộ Tài chính, hiện Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu; tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi Nghị định số 95 để giao thống nhất về một cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thứ hai, theo quy định, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.
"Với chức năng, thẩm quyền như vậy, Bộ Công Thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm. Vì vậy, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường", Bộ Tài chính phân tích.