Thông tin với VTC News, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, 15 tàu bay thuê có tổ bay (thuê ướt) của các hãng hàng không đã được đưa vào khai thác.
Hàng không Vietjet Air vừa tiếp nhận thêm 2 tàu bay, nâng số tàu bay bổ sung phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán lên 6 chiếc (4 máy bay thuê trước đó). Tuần vừa rồi, hãng cũng tăng thêm gần 750 chuyến bay, tương đương với 154.800 chỗ nhằm phục vụ nhu cầu trong dịp Tết.
Vietnam Airlines cũng "thuê ướt" 4 máy bay Airbus A320, bổ sung thêm gần 1.000 chuyến.
Vietnam Airlines bổ sung 4 máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.
Tính đến hiện tại, Vietnam Airlines Group sẽ cung ứng tổng cộng 2,86 triệu ghế dịp cao điểm Tết. Đặc biệt, số chuyến bay vào sáng sớm và đêm tăng mạnh, với hơn 1.300 chuyến.
Đầu tháng 1, Bamboo Airway cũng "thuê ướt" 2 máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao đột biến của người dân dịp Tết.
Mặc dù tỷ lệ đặt vé rất cao, nhưng đến thời điểm ngày 4/2, nhiều chặng bay vẫn còn vé.
Ông Đinh Việt Sơn cho biết, các chặng bay từ TP.HCM đi các địa phương có tỷ lệ đặt chỗ rất cao, trải đều trong các ngày từ 2/2 tới 9/2.
Cụ thể, chặng TP.HCM - Hải Phòng (85-98%), TP.HCM - Huế (86-99%), TP.HCM - Pleiku (88-99%), TP.HCM - Thanh Hóa (85-96%), TP.HCM - Chu Lai (92-98%), TP.HCM - Quảng Bình (89-103%), TP.HCM - Vinh (90-98%).
Một số đường bay vẫn còn chỗ, như đường bay TP.HCM - Buôn Ma Thuột tỷ lệ đặt chỗ các ngày 3-5/2 đang ở mức 76-83%; TP.HCM - Tuy Hòa các ngày 2/2 (70%), 8/2 (85%) và 9/2 (72%), hành khách vẫn có thể mua vé.
Tương tự, đường bay TP.HCM - Quy Nhơn, các ngày 3/2 và 9/2 tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức 76-78%. Đường bay TP.HCM - Vinh ngày 9/2 tỷ lệ đặt chỗ mới ở mức 67%.
"Tuy nhiên, việc còn chỗ vào ngày 9/2, tức 30 Tết mới về quê, với nhiều người là quá muộn. Thế nên, nhu cầu đặt vé thấp hơn là điều dễ hiểu. Với các ngày từ 4-8/2, về cơ bản, các chặng “nóng” như từ TP.HCM đi Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Pleiku... vẫn cháy vé", ông Sơn nói.
Điều đáng nói, trên một chặng còn chỗ, giá vé máy bay hạng phổ thông vẫn rất đắt đỏ khi lên tới hơn 3,52- 4,2 triệu đồng/chặng/vé (đã gồm thuế, phí), như chặng bay từ TP.HCM đi Vinh hay Thanh Hóa, Hải Phòng… của Vietjet Air và Vietnam Airlines; đi Chu Lai giá vé 2,44 - 3,5 triệu của Vietravel Airlines và Vietjet; đi Pleiku giá 1,9 triệu đồng/vé (Vietjet)...
Vietnam Airlines tăng hơn 1.300 chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.
Theo lý giải của Cục hàng không và các hãng bay, một trong những lý do của tình trạng giá vé đắt dịp Tết là các hãng đang phải bù đắp chi phí hai chiều theo quy luật điều tiết của thị trường.
"Nếu giá vé Tết không tăng để bù đắp một chiều rỗng khách thì các hãng sẽ thua lỗ, vì tất cả các chuyến bay đều phải gánh các chi phí như nhau gồm bến đỗ, nhiên liệu, phi hành đoàn, ống lồng... Dù giá tăng nhưng vẫn nằm trong quy định về giá trần, giá sàn”, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, vào dịp cao điểm Tết, tất cả chuyến bay của các hãng hàng không đều phải chấp nhận một đầu đông khách, còn một đầu trống hoặc rất ít khách.
Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, nếu các chuyến bay thông thường hay chuyến bay hè đều kín khách 2 chiều thì các chuyến bay Tết hầu hết là bay lệch đầu, một chiều kín khách, một chiều rỗng hoặc tỷ lệ khách đi rất thấp, chỉ đạt 20 - 25% số ghế.
Ví dụ thời điểm trước Tết, tỷ lệ chuyến bay các chiều từ Hà Nội và các sân bay phía Bắc đến TP.HCM khá vắng. Chuyến bay Thanh Hóa - TP.HCM ngày 2/2 tỷ lệ ghế có khách chiếm 7,91%, Vinh - TP.HCM: 11,98%; ngày 3/2 chặng Vinh - TP.HCM: 17,02%, Bình Định - TP.HCM: 16,62%...
Các hãng tăng chuyến nhưng giá vé vẫn cao ngất ngưởng.
Trong khi đó, chặng TP.HCM ra các sân bay phía Bắc sau Tết cũng khá èo uột.
Cụ thể, ngày 4/2 chặng bay TP.HCM - Pleiku, tỷ lệ khách đặt vé chiếm 16,61%, TP.HCM - Tuy Hòa: 16,87%; ngày 8/2 chặng bay TP.HCM - Buôn Ma Thuột: 11,19%...
Các đường bay khác từ Hà Nội và các địa phương về TP.HCM trước Tết rất thấp, trung bình chỉ từ 20-30% với nhiều chuyến bay rỗng (ferry). Tương tự như vậy với chặng từ TP.HCM về Hà Nội hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc, tỷ lệ trung bình chỉ đạt 30%. Trong khi đó, các hãng vẫn phải chi trả tiền xăng dầu, thuế phí, đội bay... khiến giá vé máy bay ngày Tết trở nên đắt đỏ.
“Năm nào cũng vậy, trước Tết, các chuyến từ phía Nam ra miền Trung, miền Bắc sẽ kín khách, còn chiều ngược lại hầu hết là ghế trống. Sau Tết, chiều từ miền Bắc, miền Trung vào phía Nam cũng kín khách, còn chiều ngược lại sẽ vắng khách. Máy bay dù ít khách, thậm chí không có khách vẫn phải chấp nhận bay theo slot đăng ký.
Về nguyên tắc, khi tính vào giá vé, các hãng phải tính cả chi phí đầu ra, đầu vào để bù chi phí. Nếu chỉ tính một chiều thì các hãng không thể lấy đâu chi phí để bù đắp được”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, trong giai đoạn này, toàn bộ 15 tàu bay thuê có tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam đã được đưa vào khai thác.
"Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các hãng hàng không, các cảng cảng không để có thể bổ sung tải cung ứng, dự kiến từ 2-3 chuyến bay/ngày trên một số đường bay từ TP.HCM đi các địa phương có nhu cầu cao", ông Thắng nhấn mạnh.