Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Quốc phòng huy động 5.000 phương tiện và máy bay ứng phó bão số 7

Bộ Quốc phòng huy động hơn 270 nghìn người, 5 nghìn phương tiện và cả máy bay trực thăng để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 7 (bão Yinxing).

Chiều 8/11, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì cuộc họp cùng các bộ, ngành và đơn vị liên quan để tập trung các biện pháp ứng phó với cơn bão số 7.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. (Ảnh: Quang Phong)

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đêm 7/11, bão Yinxing đã quét qua đảo Luzon (Philippines) với sức gió rất mạnh, gây ra thiệt hại lớn. 

Đến 14h ngày 8/11, bão số 7 trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa hơn 700km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h. Vùng bán kính gió mạnh cấp 8 khoảng 200km, tính từ tâm. 

Theo ông Khiêm, bão số 7 vào Biển Đông đang có xu hướng mạnh thêm so với thời điểm đi qua đảo Luzon. Trong chiều và đêm nay, bão tiếp tục có khả năng mạnh thêm. 

Trong những ngày gần đây, các mô hình dự báo của quốc tế chưa có tính thống nhất cao đối với cơn bão số 7. "Dự báo cụ thể các cơ quan nghiệp vụ của Nhật cho rằng thời điểm bão mạnh nhất là chiều 8/11, sau đó suy yếu dần. Mỹ và Trung Quốc cũng có chung nhận định nhưng bão còn có khả năng mạnh lên cấp 14-15", ông Khiêm nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc, khi đi sâu vào Biển Đông nhiệt độ bề mặt thấp cộng thêm không khí khô, không khí lạnh phía Bắc tràn xuống nên có thể bão sẽ suy yếu. "Cường độ bão mạnh nhất là từ giờ đến khi bão đi qua phía Bắc quần đảo Hoàng Sa và sau đó giảm cấp", ông Khiêm nhận định. 

Hướng di chuyển của bão số 7, theo ông Khiêm, bị chi phối bởi dòng dẫn môi trường do áp cao cận nhiệt đới nên bão khó có thể di chuyển về phía Bắc. Khi đi vào Bắc quần đảo Hoàng Sa bão sẽ đổi hướng Tây Tây Nam đi về phía biển Trung Trung Bộ.

Không được chủ quan khi bão giảm cấp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay tỉnh đã yêu cầu đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7. Các tàu thuyền đã nắm được thông tin về cơn bão và đang di chuyển đến nơi neo đậu an toàn. Tỉnh cũng đã chuẩn bị phương án di dời khoảng 3.400 người dân khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cơn bão số 6 vừa qua gây thiệt hại lớn cho tỉnh, đến nay đang tập trung khắc phục hậu quả. “Hiện nay, tỉnh đang theo dõi diễn biến cơn bão số 7, với hy vọng bão không vào đất liền. Trước mắt, tỉnh đã kêu gọi tất cả tàu thuyền vào neo đậu ở nơi an toàn”, ông Đồng chia sẻ.

Phát biểu tại đây, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 270 nghìn người, 5 nghìn phương tiện và cả máy bay trực thăng để ứng phó với cơn bão số 7.

“Dự báo, bão số 7 sẽ suy yếu khi vào gần bờ, tuy nhiên, chúng ta cần đề phòng khi thời tiết xấu gây mất an toàn trên biển, cùng với đó là đề phòng mưa lớn”, Đại tá Châu nói và đề nghị các địa phương sẵn sàng di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm do mưa bão đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Quang Phong)

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bão số 7 đang ở thời điểm mạnh nhất, sau đó có khả năng giảm cấp. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan không được chủ quan, lơ là, ngay cả khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gần bờ hay thậm chí chỉ gây mưa nhỏ.

Theo ông Hiệp, các dự báo đều cho thấy bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận. “Khu vực này trong 10 ngày qua đã trải qua 3 đợt thiên tai gây hậu quả lớn, người dân rất mệt mỏi. Do vậy, bão số 7 lần này sẽ gây ra những khó khăn nhất định”, ông Hiệp nói.

Tại cuộc họp, ông Hiệp cũng nêu ra những lo lắng khi ứng phó với cơn bão số 7. Đó là tâm lý chủ quan, mệt mỏi của người dân do vừa trải qua các đợt mưa lũ. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước ở khu vực này đã bắt đầu đầy, nên việc vận hành xả lũ sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, đất rừng ở khu vực miền núi, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã "ngậm no nước" nên dễ xảy ra sạt lở đất trong mưa bão.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả bão số 6, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7. Trong đó, cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.

“Khoảng ngày 10-11/11, bão số 7 sẽ tác động trực tiếp vào vùng biển của nước ta. Hy vọng đến ngày 13, gặp không khí lạnh bão sẽ giảm cấp”, ông Hiệp nói thêm.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới