Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bỏ phố về quê làm hợp tác xã, nâng cao đời sống người dân

(VTC News) -

Những năm qua, người dân tỉnh Hòa Bình từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh, tạo việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Quan trọng hơn, nhận thức của người dân vốn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây, nay đã biết liên kết bằng việc thành lập các hợp tác xã (HTX) để tạo nên sức mạnh, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo nhu cầu thị trường và biết ứng dụng công nghệ 4.0 để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Tốt nghiệp khoa Văn hóa Dân tộc, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sau một thời gian làm truyền thông cho Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương, năm 2016, anh Nguyễn Trung Kiên, xã vùng cao Độc Lập, huyện Kỳ Sơn (nay là xã Độc Lập, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) trở về quê, quyết tâm đưa khoa học kỹ thuật giúp bà con phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Để bà còn liên kết, cùng nhau xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, từ cung cấp dịch vụ đầu vào, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch đến bao tiêu đầu ra, tháng 11/2020, anh Kiên đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (HTX Độc Lập).

Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (TP Hòa Bình) hướng dẫn người dân chăm sóc bí xanh.

Cách trung tâm TP Hòa Bình chưa đầy 25km, nhưng để vào được xã Độc Lập phải mất cả tiếng đồng hồ và hết sức vất vả bởi con đường đất đá đồi núi dốc ngược, nhiều khúc cua tay áo, mùa mưa nhớp nháp, trươn trượt.

Vừa đưa phóng viên đi tác nghiệp, chị Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ phòng Nghiệp vụ, Kiểm tra, Phong trào, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình vừa cho biết, Độc Lập là xã vùng cao với hơn 90% là đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Dù được sáp nhập về thành phố Hòa Bình để mở rộng diện tích, nhưng do người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhận thức về khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, đường sá đi lại cách trở và chủ yếu là đường đồi dốc, đất đá trơn trượt nên nông sản rất khó tiêu thụ, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp vì thương lái “ngại” vào thu mua.

Những khó khăn, trở ngại về đường sá càng được minh chứng khi phóng viên tiếp xúc với thành viên, người lao động cũng như cán bộ HTX Độc Lập.

Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc HTX Độc Lập cho biết, sinh ra và lớn lên tại địa phương, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn hóa Dân tộc, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, anh làm truyền thông cho Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Quá trình làm việc tại đây, anh thường xuyên được tiếp xúc với người dân sản xuất rau, củ quả tại những vùng chuyên canh ở Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh (Hà Nội). Anh Kiên cũng tìm hiểu vì sao những người có đất sản xuất và chủ yếu sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao lại có thu nhập ổn định, nhiều gia đình rất giàu có.

Càng đi, càng học hỏi được kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp, anh Kiên cũng nhận ra, vì sao quê hương mình có đất đai trù phú, thời tiết thuận lợi, người dân cần cù chịu khó nhưng không có thu nhập ổn định, không có sản phẩm chủ lực, nhất là chưa có sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu.

Càng trăn trở với quê hương, anh Kiên nghĩ mình càng phải học tập và trau dồi kiến thức về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình sản xuất VietGAP, hữu cơ.

Anh Kiên cũng lăn lộn tìm đến nhiều chợ đầu mối với vai trò là cán bộ truyền thông để chia sẻ, tìm kiếm thông tin về các thương lái lớn, có uy tín tại các chợ ở Hải Dương, Hưng Yên, chợ đầu mối Chương Dương, Long Biên, Cầu Giấy…

Song song đó, anh Kiên còn chủ động tìm đến các cơ sở sản xuất giống cây trồng có uy tín của Viện Nông nghiệp, công ty hạt giống Nova để có được nguồn giống chất lượng cao về phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khởi sắc xã vùng cao

Năm 2016, anh Kiên chính thức xin nghỉ việc tại Công ty Bảo vệ thực vật I Trung ương, đem nguồn giống, kỹ thuật về phục vụ cho bà con nông dân địa phương bằng việc mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho người dân địa phương.

Thời gian đầu, tôi vận động người dân trồng thử nghiệm hàng chục ha bí xanh và mướp đắng. Thấy cây trồng phù hợp với chất đất, sản phẩm chất lượng, bí ngọt, ruột ít, giá thành cao nên chỉ một năm sau, người dân đã mở rộng diện tích trồng lên gần 30 ha”, anh Kiên nói.

Để trở thành điểm tựa và động lực giúp người dân yên tâm sản xuất, tháng 11/2020, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình và chính quyền địa phương, HTX Độc Lập chính thức ra mắt, đi vào hoạt động và hỗ trợ sản xuất, trợ giúp về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX Độc Lập có 10 thành viên, diện tích sản xuất gần 30 ha bí xanh, đồng thời ký kết bao tiêu cho hàng chục gia đình với sản lượng hơn 2.000 tấn/năm.

HTX cũng thành lập được 2 tổ nhóm nuôi dê, trồng bí xanh với 50 hộ tham gia. Ngay sau khi 2 tổ nhóm thành lập, từ các nguồn vốn huy động được, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 250 con dê sinh sản cho các hộ gia đình.

Là người được nhận 5 con dê sinh sản đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thu Phương, dân tộc Mường ở thôn Sòng, xã Độc Lập phấn khởi cho biết: “Ngay khi là thành viên HTX tháng 11, gia đình tôi được hỗ trợ 5 con dê sinh sản, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho dê để gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Chủ tịch UBND xã Độc Lập, toàn xã hiện có 6 xóm với 621 hộ, 2.888 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Mường chiếm 90,82%, còn lại là người dân tộc Dao, Kinh. Xã cũng có hàng trăm ha đất có thể triển khai trồng bí xanh và các loại rau, cây ăn quả dây leo.

Những năm qua, sự vào cuộc hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh từng bước đưa đời sống của người dân ngày một khởi sắc. Năm 2020, bình quân thu nhập của xã đạt 24 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 14,79%. Dự kiến năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập của người dân tăng khoảng 1 triệu so với năm 2020.

Về sản xuất nông nghiệp, người dân trong xã có sự hỗ trợ tích cực của HTX Độc Lập. Tuy nhiên, do mới thành lập nên việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa thực hiện được, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường chưa bền vững.

Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng như nhà sơ chế, bảo quản, nhất là lò sấy để xử lý sản phẩm khi giá thành thấp, trời mưa dài ngày chưa có nên sản phẩm còn nhiều bấp bênh và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ để đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để HTX xây dựng nhà sơ chế, bảo quản và sấy khô sản phẩm để cung cấp cho các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm được biền vững, nhất là cung cấp cho các nhà máy chế biến mứt, nước ép bí đao, qua đó giúp người dân hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Quế mong muốn.

PHẠM DUY

Tin mới