Trong khoản 77 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ giá thị trường hiện nay) vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới phục vụ mục đích đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD&ĐT chủ biên. Nhưng đến tháng 5/2019 Bộ báo cáo không thực hiện được việc này khiến luận băn khoăn: 16 triệu USD ấy được dùng vào việc gì?
Trả lời về vấn đề này trên một diễn đàn giáo dục mới đây, bà Trần Thị Mỹ An, Chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, như cam kết với Chính phủ Việt Nam, một trong những hoạt động hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là biên soạn một bộ SGK tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngân hàng Thế giới xem xét khoản vay 16 triệu USD (ảnh minh họa).
Vào tháng 5/2019, Việt Nam thông báo, nhiều nhà xuất bản biên soạn các bộ SGK khác nhau cho nhiều môn học. Do đó, để tránh chồng chéo và đỡ lãng phí nguồn lực, Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới thống nhất ngừng tự biên soạn bộ SGK và tập trung nguồn lực cho việc thẩm định.
Dự án cung cấp các chuyên gia quốc tế giúp thẩm định, biên soạn SGK. Do vậy, khoản tiền 16 triệu USD hiện vẫn nằm trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.
“Chúng tôi vẫn đợi đề xuất chính thức của Việt Nam tới Ngân hàng thế giới về việc sử dụng số tiền này vào một số mục tiêu của dự án sắp tới nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục thông qua việc cải tiến chương trình và SGK”, bà Mỹ An cho hay.
Về việc tái cơ cấu nguồn vốn vay 16 triệu USD sang một số hợp phần khác, bà Mỹ An cho biết Ngân hàng thế giới luôn đề cao tính hiệu quả, minh bạch. Hàng năm, đơn vị có hai đoàn giám sát dự án để đánh giá tiến độ và đảm bảo kế hoạch đề ra theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi giám sát để dự án thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của Ngân hàng thế giới, đạt mục tiêu cuối cùng của dự án”, bà Mỹ An khẳng định.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) cho biết, do không làm SGK nữa nên Bộ GD&ĐT sẽ tái cơ cấu sang các đầu việc khác như: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình; Đổi mới phương pháp dạy học; Kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng 900.000 cán bộ, giáo viên.
Như vậy, rõ ràng khoản vay 16 triệu USD của Bộ GD&ĐT để tổ chức biên soạn sách không thành công. Hiện Bộ vẫn tiếp tục đàm phán với Ngân hàng Thế giới đến ngày 6/12 tới.