Chiều 9/5, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo về kết luận thanh tra liên quan đến tổ chức IDP đã cấp hơn 56.000 chứng chỉ IELTS trái quy định từ 1/1/2022 đến 16/11/2022.
Theo thông báo, năm 2023, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 hướng dẫn về xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong hai hướng dẫn này, Bộ GD&ĐT chấp thuận cho các thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức nước ngoài cấp trước và sau ngày 10/9/2022 để xét tuyển.
Như vậy, với các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi - cấp, nếu đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, "sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ".
Thí sinh tham gia thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. (Ảnh minh hoạ)
Trước đó, nhiều sinh viên lo lắng về thông tin IDP cấp trái quy định hơn 56.000 chứng chỉ IELTS trong giai đoạn từ tháng 1 đến giữa tháng 11/2022. Hai năm qua, các thí sinh này dùng chứng chỉ này để xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học trên cả nước.
Ngày 8/5, Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, đơn vị đồng sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam.
Theo kết luận này, ngày 17/11/2022, Bộ GD&ĐT mới phê duyệt quyết định cho phép IDP liên kết với IELTS Australia Pty Ltd tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 16/11/2022, IDP liên kết tổ chức thi và cấp tổng cộng 56.230 chứng chỉ IELTS.
Theo quy định, 56.230 chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.
Ngày 10/11/2022, Hội đồng Anh (British Council) và IDP từng thông báo hoãn kỳ thi IELTS vì "tình huống bất khả kháng", mong học sinh thông cảm và đồng hành của thí sinh cũng như quý phụ huynh để đảm bảo tính tuân thủ và minh bạch mà kỳ thi IELTS luôn cam kết trên toàn thế giới.
Kết quả thanh tra công bố mới đây được cho là liên quan đến sự kiện trên.
Theo Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ, việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền là Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ làm đề án, trình Bộ cấp phép. Do đó, nhiều đơn vị phải đồng loạt dừng thi vì chưa đáp ứng quy định.