KvMới đây, TTCP đã ban hành kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, trong đó có đề cập đến trách nhiệm của Bộ Công thương và một số cơ quan liên quan. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.
- Thưa ông, TTCP mới đây đã ban hành kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). Về trách nhiệm của Bộ Công thương trong nội dung liên quan đến tăng giá phần xây lắp, kết luận nói rõ: “Cho phép TISCO được điều chỉnh chi phí thực hiện Phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền”, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Về nội dung này tôi xin có một số ý kiến như sau. Trước hết là về cơ sở pháp lý thì tôi khẳng định việc tăng vốn phần xây lắp có cơ sở đầy đủ. Cụ thể theo Thông tư 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng, tại Mục 1 của Thông tư (Đối tượng và phạm vi áp dụng) đã nêu rõ: “Điều chỉnh hình thức giá hợp đồng đối với các hợp đồng đã lỡ thực hiện giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành giá hợp đồng theo giá điều chỉnh do giá VLXD biến động ngoài khả năng kiểm soát của Chủ đầu tư và Nhà thầu”.
Bên cạnh đó thì bản thân Hợp đồng EPC số 01# giữa Cty Gang thép Thái Nguyên (Chủ đầu tư) và Tổng thầu MCC (Trung Quốc) tại Khoản 9.1 của Điều 9 quy định “… Giá hợp đồng này là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác)…”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang.
- Đó là nói cơ sở pháp lý, nhưng bối cảnh lúc đó có nhất thiết phải đặt vấn đề tăng vốn không, thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định một vấn đề là: Dự án Gang thép Thái Nguyên là dự án nằm trong chiến lược phát triển ngành, trong chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng 2 nhiệm kỳ. Trong suốt quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn khách quan đem lại và những chủ trương, giải pháp của Chính phủ, của các Bộ, ngành là việc xử lý, tháo gỡ, là phương án tốt nhất và cần thiết vào lúc đó. Tôi có thể khẳng định, định hướng đó vẫn đúng và cần thiết cho đến tận thời điểm hiện tại này.
Giai đoạn 2007-2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên giá vật tư, nguyên nhiên liệu (và cả 1 số loại thiết bị) đều tăng vượt tầm kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu. Không chỉ dự án cải tạo, mở rộng GTTN mà còn nhiều dự án khác của các địa phương, các ngành đều bị ách tắc.
Hãy tưởng tượng lại khi đó, với yêu cầu vốn đầu tư biến động theo mặt bằng giá mới, nếu không tháo gỡ, thực hiện tiếp, dự án mới thực sự đứng trước nguy cơ "sắt vụn". Dự án đã triển khai được trên 90% tính chung trên các hạng mục và vẫn còn khả năng triển khai, đưa vào hoạt động tiếp.
- Ý kiến của các cơ quan hữu quan về việc này thế nào, thưa ông?
Các Bộ như Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng đều ủng hộ chủ trương này, riêng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì lưu ý thêm là hình thức thực hiện vẫn nên là hợp đồng trọn gói sau khi điều chỉnh giá phần xây lắp.
- Thưa ông, về vấn đề điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) kết luận thanh tra khẳng định trách nhiệm của Bộ Công thương là “…Có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT Dự án tăng lên 8.104.907,173 triệu đồng đã được Bộ Công thương rà soát, thẩm tra, mặc dù trước đó các bộ, ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT là không đúng Hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư”. Có thể hiểu điều này là Bộ Công thương đã cố tình đi ngược lại ý kiến các bộ khác?
Việc này có lẽ phải nói cho đầy đủ mới hình dung hết được. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (do vốn đầu tư tăng) của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại thời điểm những năm 2007-2011, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh TMĐT.
Sau đó Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 900/BXD-KTXD ngày 01/6/2012 hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án. Do vậy, theo tôi công văn số 900/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng nên được hiểu là quy định của Chính phủ về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.
- Cụ thể ý kiến các Bộ liên quan thế nào, thưa ông?
-Tôi xin khẳng định với các tài liệu vẫn còn lưu đây: Bộ Xây dựng thì đồng ý về chủ trương, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Tài chính thì bên cạnh việc khẳng định dự án thuộc loại điều chỉnh của văn bản quy phạm nào thì đều lưu ý những bên có trách nhiệm trực tiếp như VNS, Bộ Công thương đánh giá sự cần thiết, chịu trách nhiệm về hiệu quả nếu có điều chỉnh... Do vậy, cần khẳng định không có chuyện Bộ Công thương đi ngược lại ý kiến các bộ khác.
Mặt khác tôi cũng muốn nhắc lại là hợp đồng EPC này đã ghi rõ “Giá Hợp đồng này là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng" và "(trừ trường hợp có thỏa thuận khác)”, nên không có việc làm sai hợp đồng.
- Bản thân ông thấy mình có trách nhiệm thế nào trong vụ việc này?
Để dự án ở vào tình trạng hiện giờ thực tế tôi cũng thấy có một phần trách nhiệm khi là người phụ trách lĩnh vực của Bộ thời gian đó. Thâm tâm tôi cho rằng, việc các cơ quan quản lý thực hiện các giải pháp tháo gỡ, xử lý vấn đề TISCO 2 ngày đó là một yêu cầu khách quan, thực hiện đúng chủ trương, quy định. Dự án vẫn cần được triển khai, hạng mục, thiết bị vẫn còn đó, không có chuyện là "sắt vụn" và tiến độ đã được tháo gỡ phần lớn.
- Xin cảm ơn ông!