Ngày 1/6, theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp tên N.K.H. (68 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh) bị viêm gan B trên nền bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Hai tháng nay, ông thường xuyên xuất hiện những cơn khó thở và tự ý mua thuốc nam về uống. Tuy nhiên, tình trạng khó thở không cải thiện, tăng dần.
Ông đến bệnh viện huyện để điều trị đợt cấp COPD. Khi có kết quả xét nghiệm men gan tăng, ông H. được chuyển tuyến lên bệnh viện đa khoa tỉnh, xét nghiệm có HBsAg dương tính, chẩn đoán xác định viêm gan B mạn tính.
Sau 3 tuần điều trị, tình trạng vàng da, bụng chướng tăng lên, ông được chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. 10 ngày sau, tình trạng bệnh cải thiện, ông trở lại bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị tiếp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, ý thức bệnh nhân chậm dần, mệt mỏi, vàng da, chướng bụng tăng dần kèm khó thở.
Các bác sĩ tuyến dưới chuyển ông đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tình trạng da củng mạc mắt vàng, phù 2 chi dưới, tiểu ít, bụng chướng căng. Người bệnh được chẩn đoán suy gan cấp, viêm phổi - viêm gan B - COPD.
Quá trình điều trị, ông H. xuất hiện đau bụng, bụng chướng căng, dẫn lưu ổ bụng ra 1.000 ml máu đỏ tươi, da xanh, mạch nhanh khó bắt, nổi vân tím toàn thân, sonde dạ dày không có máu.
Bệnh nhân được truyền máu tối cấp, truyền dịch, mạch bắt rõ hơn, huyết áp 100/60 mmHg. Tuy nhiên, bụng bệnh nhân còn chướng, dẫn lưu dịch ổ bụng tiếp tục chảy, không cầm máu. Bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong, gia đình xin về nhà.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da củng mạc mắt vàng, phù 2 chi dưới, tiểu ít, bụng chướng căng. (Ảnh: BSCC)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tại Việt Nam, 8-10% dân số mắc viêm gan B (tương đương 8-10 triệu người).
Bệnh viêm gan B không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài (trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính). Vì vậy, người bệnh không đi khám và phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B.
Trường hợp ông H. là ví dụ điển hình. Ông H. dùng thuốc nam để điều trị bệnh COPD. Ông chỉ được phát hiện viêm gan B tình cờ (không chủ động kiểm tra) trong đợt ốm nặng.
Lúc đó, bệnh viêm gan ở giai đoạn muộn, biến chứng xơ gan (xơ gan mất bù), chưa loại trừ ung thư gan.
Để phòng bệnh và quản lý theo dõi, điều trị tốt bệnh viêm gan B, bác sĩ Phương khuyến cáo mọi người:
- Nên chủ động đi xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B để có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị.
- Người có tiền sử mắc các bệnh về gan tuyệt đối không được dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện bị viêm gan B, người bệnh cần theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan.
Ung thư gan nguyên phát (HCC) có thể xuất hiện trên nền gan lành (chưa xơ hóa hay xơ gan) ở người bệnh viêm gan B. Nếu được chẩn đoán sớm, bác sĩ sẽ có những can thiệp điều trị sớm và tốt nhất cho người bệnh.