Theo báo cáo của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, bất kỳ loại trái cây nào cũng tốt cho người bị bệnh tiểu đường, miễn là người đó không bị dị ứng với loại trái cây đó.
Trên thực tế, các nghiên cứu trước đó phát hiện ra rằng, ăn nhiều trái cây hơn có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng tốt cho sức khỏe như nhau. Trái cây tươi, đông lạnh hoặc trái cây được đóng gói trong các loại nước ép tốt hơn trái cây chế biến trực tiếp từ hộp hoặc lọ, chẳng hạn như nước sốt hoa quả và trái cây đóng hộp. Nguyên nhân là do chúng thường chứa nhiều đường, có nguy cơ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Những loại trái cây dành cho bệnh nhân tiểu đường
Đối với bệnh nhân tiểu đường, cách để chọn trái cây an toàn và phù hợp cũng như các loại thực phẩm khác giàu carbohydrate là kiểm tra chỉ số GI.
GI là chỉ số đánh giá của thực phẩm trên thang điểm từ 1 đến 100. Chỉ số này cho biết tốc độ tăng lượng đường trong máu của thực phẩm khi nạp vào cơ thể. Ví dụ, cơ thể hấp thụ thực phẩm có GI cao nhanh hơn so với thực phẩm có GI trung bình hoặc thấp. Thực phẩm có chỉ số GI thấp hơn sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Hoa quả có GI thấp | Hoa quả có GI trung bình | |
Chỉ số GI | 20 - 49 | 50 - 69 |
Ví dụ |
Táo Bơ Dâu đen Anh đào Bưởi Trái đào Lê Mận Dâu tây |
Sung Nho Kiwi Xoài Cam Nho khô Chuối chưa chín |
Những loại trái cây người tiểu đường nên tránh
Bệnh nhân tiểu đường nhìn chung không nên tránh trái cây, vì đó là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy, ăn trái cây có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, họ có thể đưa ra những lựa chọn thông minh về loại trái cây mình nên ăn hoặc không.
Mặc dù các loại trái cây có chỉ số GI cao vẫn an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng bạn cần theo dõi số lượng ăn mỗi ngày. Hầu hết các loại trái cây thường có chỉ số GI thấp, nhưng vẫn có những loại ngược lại, ví dụ như chuối chín quá mức, chà là khô, dưa hấu và dứa.
Chuối chín quá mức là hoa quả không dành cho người tiểu đường.
Một số người mắc bệnh tiểu đường tuân theo chế độ ăn ít carb để giảm tác động của carbohydrate lên lượng đường trong máu.
Điều đáng chú ý là các loại trái cây có hàm lượng carb cao vẫn có thể có ít carbohydrate hơn các loại đồ ăn nhẹ khác, ít dinh dưỡng hơn. Ví dụ, một quả chuối lớn chứa khoảng 30g carbohydrate, trong khi một chiếc bánh nướng xốp sôcôla chứa khoảng 55g.
Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên tập trung vào việc hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu carb khác trước khi cắt bỏ trái cây ra khỏi thực đơn.
Nên ăn bao nhiêu trái cây là thích hợp?
Hầu hết các hướng dẫn đều khuyến nghị người lớn và trẻ em ăn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Điều này vẫn đúng với những người mắc bệnh tiểu đường.
Trong khi đó, một số khuyến nghị khác cho rằng, nên đảm bảo 1 nửa suất ăn hàng ngày là rau, trái cây hoặc cả 2.
Đối với người bị tiểu đường, nên thay trái cây bằng rau không chứa tinh bột. Một nửa còn lại là thức ăn chứa nhiều protein và tinh bột nhiều chất xơ, chẳng hạn như đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Nhiều chuyên gia cũng khuyên nên bổ sung chất béo lành mạnh trong mỗi bữa ăn để nhanh no và tăng cường hấp thụ chất chống oxy hóa và vitamin.
Chế độ ăn cho người tiểu đường
Chất xơ đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Chế độ ăn giàu chất xơ hòa tan có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nhiều loại trái cây có chứa nhiều chất xơ, đặc biệt khi ăn cả vỏ hoặc cùi. Hàm lượng chất xơ và nước cao trong nhiều loại trái cây giúp mang lại cảm giác no lâu.
Chế độ ăn có đủ trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ béo phì, đau tim và đột quỵ. Béo phì có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2.
Mặc dù trái cây có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng, nhưng bạn nên cân nhắc hạn chế lượng trái cây chế biến sẵn trong thực đơn ăn uống hàng ngày, chẳng hạn như nước sốt táo và nước ép trái cây, bởi chất xơ đã bị loại bỏ trong quá trình chế biến.
Lợi ích của trái cây với sức khỏe
Những người mắc bệnh tiểu đường nên có một chế độ ăn uống cân bằng để cung cấp đủ năng lượng và duy trì cân nặng hợp lý. Một số loại trái cây như dưa hấu, dù có nhiều đường nhưng vẫn có thể lựa chọn như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh với lượng vừa phải.
Ăn trái cây cũng có thể giúp những người "hảo ngọt" hạn chế tiêu thụ bánh, kẹo và các loại thực phẩm khác có giá trị dinh dưỡng thấp. Hầu hết các loại trái cây đều có nhiều chất dinh dưỡng, ít chất béo và natri. Trái cây cũng thường chứa các chất dinh dưỡng mà các loại thực phẩm khác không có.
Chuối chứa nhiều kali và tryptophan - một axit amin quan trọng. Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam và bưởi, rất giàu vitamin A và C, là những chất chống oxy hóa mạnh.
Nhìn chung, người mắc bệnh tiểu đường nên tránh những loại trái cây có chỉ số GI cao hoặc ăn ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, cũng nên hạn chế ăn trái cây đã qua chế biến, đóng hộp hoặc sấy khô có thêm đường.
Tuy nhiên, trái cây vẫn là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, góp phần bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng. Nên cắt giảm các loại thực phẩm có đường khác trước khi giảm lượng trái cây ăn uống mỗi ngày.