Chị Lan Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, các con nhỏ nhà anh rất thích ăn loại xúc xích tự làm được bán ở các hàng thịt nên cứ dăm bữa nửa tháng lại mua.
“Cách đây khoảng 1 tháng, tôi vẫn ra chợ, mua xúc xích về ăn như mọi khi. Ăn đến cái thứ 4, 5 rồi mới phát hiện ra có mùi lạ, đáng sợ hơn là còn có dị vật bên trong. Tôi hoảng quá bỏ hết, không dám ăn nữa", chị Hương kể.
Chị Hương cho biết thêm, đến phản ánh với người bán thì họ không thừa nhận làm ẩu nên tôi chỉ còn cách không dám ăn lại món xúc xích đó và cấm luôn cả các con không được ăn nữa. “Nghĩ đến mảnh dị vật có trong xúc xích, tôi lại liên tưởng, hình dung ra quá trình chế biến của họ và không khỏi rùng mình. Vậy mà bấy lâu nay tôi vẫn vô tư sử dụng", chị Hương hoang mang nói.
Tương tự, chị Nguyễn Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng chị từng mua phải bánh mì không đảm bảo chất lượng. “Lúc đó tôi mua một cái bánh mì nhân dừa, giữa những sợi dừa đó có lẫn cả mảnh túi nilon trong đó. Nếu không cẩn thận, ăn vội có khi còn nuốt phải luôn".
Nhiều người tiêu dùng bức xúc vì mua phải hàng kém chất lượng. (Ảnh minh họa)
Thực trạng thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng đã được các đại biểu Quốc hội đưa vào bàn thảo tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) ngày 10/11.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thực phẩm bẩn hiện nay là thực trạng nhức nhối, tràn lan trên thị trường nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả.
"Thực tế, các thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng, chẳng khác nào họ đem tiền mua bệnh mà không hề biết mình phải đối diện với nhiều tác hại bệnh tật, bào mòn dần sự sống, thậm chí là nguyên nhân của những căn bệnh rất nguy hiểm như ung thư sau thời gian dài sử dụng", đại biểu Trinh nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, theo quan điểm của vị đại biểu đoàn Quảng Nam là người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần phải minh chứng bằng hậu quả.
Hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại bởi một mặt do công tác quản lý, mặt khác là do tâm lý người tiêu dùng mong muốn tìm đến hàng hóa giá rẻ, trong khi người sản xuất, kinh doanh thì thổi bùng chất lượng đánh lừa người tiêu dùng, do vậy mà hàng hóa chất lượng, sản phẩm xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái.
"Câu chuyện đó có một phần trách nhiệm từ các cơ quan quản lý, trách nhiệm của các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản và một phần đến từ trách nhiệm của người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung và thực phẩm, nông sản bẩn nói riêng" đại biểu Trinh nhấn mạnh.
Vì vậy, trong dự thảo luật cần xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng cũng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng khoản 3 Điều 34 dự thảo luật quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.
Vị đại biểu nêu thực tế, có những mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sử dụng chưa gây hậu quả ngay mà có thể một năm hoặc nhiều năm sau mới phát bệnh, liệu khi đó việc bồi thường có được thực hiện hay không.
Từ bất cập này, đại biểu Vân cho rằng, để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung từ "tổ chức" vào khoản 1, bởi người tiêu dùng không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt.