Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Dù tình hình tốt lên, nhưng nỗi lo vẫn còn nặng trĩu

(VTC News) -

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, dù dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát, tình hình ngày càng tốt lên, song nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn nặng trĩu.

Chiều 12/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội nghị Giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM)

Phát biểu tại giám sát, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên kể lại nhiều quyết định khó khăn của thành phố.

Theo ông Nên, dù hiện nay dịch COVID-19 tại thành phố cơ bản được được kiểm soát. "Tình hình ngày càng tốt dần lên nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn nặng trĩu", ông Nên chia sẻ về giai đoạn chống dịch khốc liệt ở TP.HCM.

Theo ông Nên, đại dịch COVID-19 đã để lại cho thành phố nhiều đau thương, nhiều bài học xương máu để sẵn sàng ứng biến với tình hình. Thành phố sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Đối với TP.HCM, việc thực hiện bất kỳ giải pháp giãn cách nào thành phố cũng đều cân nhắc rất kỹ và cảm thấy rất khó khăn. Hồi tháng 5/2021, khi phát hiện 3 ca dương tính tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, lúc này dịch đã "ung thư, di căn" ở những chỗ khác từ lâu.

Thời điểm đó TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 cục bộ ở một số nơi. Tinh thần là "không mặc đồng phục" để thành phố tránh bị tác động nhiều mặt. 

Cũng giai đoạn đó, TP.HCM đã dùng "vũ khí chậm" là xét nghiệm PCR nhưng số lượng mẫu lại quá lớn. "Đầu tiên lấy 40.000 mẫu nhưng đơn vị trả kết quả năng lực chỉ 10.000 nên phải chờ đợi. Mà sự chờ đợi đó qua 24 giờ, 48 giờ, có lúc kẹt máy thì 7 ngày mới trả kết quả. Đâu còn giá trị! Vũ khí chiến đấu không phù hợp dù làm rất tích cực, mà cũng chưa biết nó (chủng Delta) lây kiểu gì do không có cảnh báo nào rõ ràng hết", ông Nên nói.

Cũng theo ông Nên, có thời điểm TP.HCM đặt chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, quyết tâm, quyết liệt huy động lực lượng nhưng trả kết quả nhưng số lượng cũng chỉ được vài chục nghìn mẫu.

Thời điểm đó TP.HCM cũng chưa có vaccine, nên chỉ tập trung vào xây dựng các bệnh viện dã chiến. "Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì", ông Nên nói.

Cũng thời gian đó, Chính phủ ra Nghị quyết 86 và yêu cầu TP.HCM phải kiểm soát được dịch trước ngày 15/9. Nhưng xem xét kỹ lại tình hình, TP.HCM thấy khó có thể thực hiện, "nên đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp. Sau cùng quyết định sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp", ông Nên kể lại.

Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cho hay, ngay khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, chuẩn bị bước vào "bình thường mới", bước vào tái thiết thì người dân lại kéo nhau về quê. Thành phố đã dự báo trước tình hình và kêu gọi người dân ở lại để tiêm vaccine, tổ chức đưa người về quê theo đăng ký với các địa phương để không ảnh hưởng tới làng xóm, gia đình.

"Nhưng bà con sốt ruột quá, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng lâu nên khi chờ tới ngày 30/9 thì cản không được", ông Nên kể.

Cũng theo ông Nên, khi hàng chục nghìn người dân rời thành phố sau thời điểm 30/9, thành phố lại tiếp tục tuyên truyền, vận động để bà con cố gắng thêm một thời gian nữa. Nhưng các trường hợp đặc biệt, có nhu cầu cấp thiết, thành phố sẽ tạo điều kiện để đưa về.

Nguyên Minh

Tin mới