Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Hà Nội: Tình trạng thiếu trường học sẽ dần được khắc phục

Từ quyết tâm thu hồi các dự án treo để xây trường học, Bí thư Thành uỷ Hà Nội hy vọng, tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn Thủ đô sẽ dần được khắc phục.

Sáng 1/7, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội (quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, ý kiến của các đại biểu đều quan tâm đến những nội dung lớn đang được Quốc hội thảo luận.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, theo ông Đinh Tiến Dũng, đây là luật rất quan trọng. Tại đơn vị bầu cử số 1 TP. Hà Nội, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh, đất đai rất quan trọng, giàu lên cũng từ đất đai, nghèo đi cũng từ đất đai.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có trên 75% đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai. “Đây là vấn đề rất hệ trọng, do vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 18 để lãnh đạo, chỉ đạo. Quốc hội cũng rất thận trọng. Thông thường một luật được thông qua trong 2 kỳ họp, nhưng Luật Đất đai được đặt ra trong chương trình nghị sự 3 kỳ họp”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, thời gian qua cơ quan soạn thảo nhận được trên 12 triệu ý kiến nhân dân đóng góp đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, các ý kiến tập trung vào những lĩnh vực rất nhạy cảm, nhiều khó khăn, vướng mắc như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

“Đây là vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến của nhân dân. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng thấy rất nhiều vướng mắc”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội cho biết, Quốc hội đã giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai.

“Qua thảo luận, lấy ý kiến và tiếp thu, chỉnh lý như vậy, hy vọng Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ có hiệu lực, hiệu quả tốt hơn trong việc quản lý đất đai, cũng như phát triển đất nước”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Trước ý kiến của cử tri về tình trạng thiếu trường lớp, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng ‘Hà Nội là điển hình’ cho vấn đề này. Bởi thành phố có số học sinh đông nhất cả nước (2,3 triệu học sinh). Trong kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp cấp 3 vừa qua, số học sinh của Hà Nội chiếm tới 1/10 học sinh của cả nước.

“Do vậy, nên lúc nào thành phố cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, quá trình quản lý, thành phố đã nhìn thấy những bất cập ngay trong nội tại của Thủ đô. Trong đó, nhiều dự án xây dựng khu đô thị dân cư đã ở ổn định 10-15 năm nhưng chủ đầu tư không chịu hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học.

Chính vì vậy, TP Hà Nội đã quyết định thu hồi hàng loạt ô đất được quy hoạch xây trường nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện. Hà Nội đang cân nhắc đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hoá để xây dựng trường lớp ở những khu đất này. Với chính sách như vậy, ông Dũng nhận định, tình trạng thiếu trường học sẽ dần được khắc phục.

Dự án chậm triển khai, chậm tiến độ là lãng phí

Trước ý kiến của cử tri về tình trạng lãng phí, ông Đinh Tiến Dũng nói đây là vấn đề lớn, nhiều nội dung. Để minh chứng, ông Dũng dành thời gian nói về dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô. Theo ông, dự án này có chiều dài 112 km, đi qua 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh). Dự án đi qua địa bàn Hà Nội là 58,2 km, với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng là trên 13.000 tỷ đồng. 

Dự án đã được khởi công với tổng kinh phí trên 18.000 tỷ đồng cho cả chiều dài 58,2 km, như vậy chỉ có 328 tỷ đồng/km nếu làm đúng tiến độ, Bí thư Thành ủy Hà Nội tính toán.

Trong khi đó, đường Vành đai 1, đoàn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 1,6km có tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng. 

Tuyến đường Vành đai 4 đi qua ba tỉnh gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

“Nói như thế để thấy ý kiến của cử tri là hoàn toàn chính xác. Dự án chậm triển khai, chậm tiến độ là lãng phí. Nhưng lãng phí hiệu quả kinh tế là một phần, vấn đề ổn định đời sống dân cư sau tái định cư ở các dự án là vô cùng quan trọng. Làm được sớm thì ổn định sớm, làm được sớm thì nguy cơ gây mất an ninh trật tự, đơn thư khiếu kiện không còn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. 

Vì vậy, ông cho hay, bên cạnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, TP Hà Nội sẽ làm quyết liệt, chủ trương là “khép kín” các vành đai 1, 2, 3, 4. Cạnh đó, thành phố sẽ tập trung cao độ chuẩn bị vốn để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị.

“Nếu không làm đường sắt đô thị thì không giải quyết được vấn đề hiện nay trong nội đô đang mắc phải, đó là ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường…”, ông Đinh Tiến Dũng nói thêm.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới