Chiều 14/10, đã diễn ra phiên giải trình về quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (HTKT, HTXH) trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn TP do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức.
Liên quan đến thực tế hạ tầng kỹ thuật tại quận Hoàng Mai, các đại biểu đề cập việc quận Hoàng Mai nhiều dự án phát triển đô thị và nhà ở, có số lượng dân cư lớn, mật độ dân cư cao, nhưng nhiều dự án khu đô thị trên địa bàn chưa giải phóng mặt bằng dẫn đến đường chưa kết nối với hạ tầng khu vực.
Nhiều tuyến đường chưa có điện chiếu sáng, chưa có hệ thống thoát nước; trường học chưa được đầu tư xây dựng, không đảm bảo nhu cầu của người dân.
HĐND TP Hà Nội họp phiên giải trình về quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên do các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Hiện nay, nhiều khu đô thị đã đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện bộ mặt đô thị của quận. Tuy nhiên, nhiều khu có hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều lô đất chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trách nhiệm chủ đầu tư. Các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tiềm ẩn nhiều vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Theo Chủ tịch quận Hoàng Mai, từ năm 2021 đến nay, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và quận cũng có nhiều báo cáo để chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Quận Hoàng Mai cũng thường xuyên kiến nghị TP, nếu các dự án chậm triển khai dây dưa kéo dài kiên quyết thu hồi và giao cho các đơn vị có năng lực thực hiện dự án, không để hoang hóa, lãng phí và phát sinh vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Về việc một số khu đô thị đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhiều ô đất còn để trống..., Chủ tịch quận Hoàng Mai cho biết, quận đã báo cáo TP đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bàn giao lại 7 ô bãi đỗ xe, 7 ô trường học, 7 ô đất công cộng để quận quản lý và đầu tư.
Về đề nghị này, UBND TP đã giao Sở TN-MT chủ trì làm việc với HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm ô đất hạ tầng kỹ thuật cho quận quản lý. UBND quận sẽ triển khai đầu tư, ưu tiên các dự án trường học ngay sau khi được bàn giao các lô đất từ HUD.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại phiên giải trình về quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn TP.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, với các ô đất này TP giao cho HUD đầu tư thi công họ phải đầu tư hoàn chỉnh cả về kỹ thuật. Tuy nhiên, đến hiện tại TP không thể chờ đợi hơn và sẽ có chế tài xử lý việc này, trước mắt thu hồi 7 bãi đỗ xe và có thể đưa vào hệ quy nạp đầu tư công và giao đấu thầu cùng những biện pháp khác để bổ trợ chứ không để chủ đầu tư chậm. Tuy nhiên, 7 trường học theo HUD phản ánh có 3 trường đã giải phóng mặt bằng xong, 4 trường học chưa giải phóng mặt bằng, trong trường hợp TP thu hồi thì cũng phải hoàn trả cho HUD tiền giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật.
Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, đất nhà đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước thì Nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư vì nhà đầu tư bản chất là đã mua quyền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng thì Nhà nước phải trả lại phần đấy chứ không “lấy không của nhà đầu tư, quan hệ dân sự như thế là không sòng phẳng”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên giải trình.
Cụ thể ở bãi đỗ xe ở Hoàng Mai, chủ đầu tư tự nguyện bàn giao đất 7 bãi xe chứ không phải 7 trường học, trong 7 trường học đã có 1 trường đã triển khai, còn lại 6.
"Sau khi thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, tôi trực tiếp làm việc chủ đầu tư tự nguyện trả lại 4 cái cho Nhà nước với điều kiện phải đầu tư công, còn 2 cái họ tiếp tục làm. Nói là vậy nhưng đi vào quy trình cụ thể cử tri phải chia sẻ là không dễ. Vì hiện nay chưa một đô thị nào ở đất Hà Nội, thậm chí ở Việt Nam quyết toán được đầu tư của nhà đầu tư, mà khi đầu tư không quyết toán được thì không có căn cứ đánh giá để bàn giao nếu như chúng ta không quyết tâm. Vì biết tính giá là bao nhiêu để trả cho nhà đầu tư, làm sao bàn giao được, làm sao quản lý tài sản công được.
Với tinh thần chung việc này với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo rất quyết liệt của Thành uỷ, sự giám sát có kết quả của HĐND TP, tinh thần cầu thị của UBND Thành phố và các sở ban ngành lắng nghe quyết tâm thực hiện sẽ cố gắng sớm giải quyết các vướng mắc ở Hoàng Mai để sớm phục cho dân sinh sớm nhất, đặc biệt vấn đề giáo dục, bến bãi đỗ xe", ông Thanh cho biết.
Nói thêm về việc thiếu trường học ở quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, Hoàng Mai thiếu trường công chứ không thiếu trường học, mà trường công đã đầu tư theo đúng quy hoạch. Bà con cử tri muốn con em vào học trường công tin tưởng hơn, giá cả chi phí học hành ổn định hơn. Số lượng vào học đông, nhà trường bốc thăm cho công bằng. Do công tác truyền thông không tốt nên báo chí đưa lên trở thành vấn đề quá nóng. Giả sử 7 lô đất của HUD xây trường thì theo quy định, họ xây trường tư chứ không phải trường công.
"Hà Nội đã khác biệt với các tỉnh, thành phố nhưng Hoàng Mai lại khác biệt hơn các phần còn lại về mật độ dân cư. Hiện nay, UBND TP đang chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo có tiêu chí riêng cho Hoàng Mai và một số quận tương tự về tỷ lệ công tư để chúng ta có kế hoạch đầu tư, thậm chí điều chỉnh quy hoạch… Chúng tôi sẽ làm quyết liệt”, ông Thanh khẳng định.