Nhận biết rắn độc
Theo TS Dương, ở Việt Nam có các loại rắn độc thường gặp là rắn họ hổ và rắn họ lục. Họ rắn hổ có nhiều loại và mỗi loại sống ở khu vực, nhận biết khác nhau.
Với rắn hổ mang thường: (rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ phì, hổ mèo) có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Loài này có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.
Rắn hổ mang chúa: Cổ của chúng cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn chúng được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước của loài lớn, nặng hàng chục kg, thường dài hơn 2,5m.
Rắn cạp nong, cạp nia: Khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.
Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân khoảng cách xa nhưng vẫn có thể phun nọc độc, gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân, làm chậm sự hấp thụ của nọc độc về tuần hoàn hệ thống.
Làm gì khi bị rắn độc cắn?.
Khi cắn người rắn hổ sẽ bạnh cổ, phát ra âm thành đặc trưng. Nếu bị các loại rắn hổ cắn, nạn nhân sẽ thấy tại vùng vết thương đau, sưng nề, có thể hoại tử đen da vùng bị cắn, nhiễm trùng vết cắn.
Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt. Triệu chứng toàn thân đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, bí tiểu. Người bệnh có thể tử vong vì nọc độc của rắn gây ra liệt cơ.
Với họ rắn lục, đặc điểm chung là đầu thường hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng. Hay gặp nhất đó là các loại rắn lục xanh. Đây là loại rắn có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi cả ba miền.
Rắn khô mộc, rắn lục mũi hếch thì thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc. Khi bị rắn lục cắn, người bệnh bị sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Nạn nhân có thể chết do chảy máu, mất máu.
Rắn độc có thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt.Còn rắn không độc cắn thì vết cắn có nhiều dấu răng hình vòng cung.
Sơ cứu thế nào?
Khi có người bị rắn cắn, mọi người nên động viên nạn nhân yên tâm, không được lo lắng. Không để nạn nhân tự đi lại. Bên cạnh đó, nạn nhân cần bất động chi bị cắn bằng nẹp (vì bất kỳ sự vận động của chi hoặc co cơ đều làm tăng sự vận chuyển của nọc độc về tuần hoàn hệ thống).
Người bị nạn cần cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn, vì có thể gây chèn ép khi chi sưng nề.
Băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường. Nhưng không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ.
Mọi người nên vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời với việc duy trì băng ép, bất động. Tránh can thiệp vào vết cắn như chọc hút nọc độc, garo vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.