Hà Lam Hải (sinh năm 2001) đang là sinh viên năm nhất ngành Sinh học trường National University of Singapore. Năm học đầu của em tại trường kết thúc bằng điểm CAP (điểm trung bình tích lũy) 5.0.
Lam Hải giành điểm CPA tuyệt đối tại National University of Singapore. (Ảnh: NVCC)
Năm 2017, khi đang là học sinh lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hải nhận tin trúng tuyển học bổng ASEAN ở Singapore. Đến đảo quốc sư tử, Hải theo học tại trường cấp 2 Victoria School (do giáo trình học của Singapore và Việt Nam lệch nhau) và sau đó là trường cấp 3 St Joseph’s Institution.
Sau hai năm cấp 3, nam sinh tiếp tục săn học bổng đại học. Em nhận học bổng 50% từ University of Toronto (Canada), 50% từ University of Melbourne (Úc), học bổng toàn phần ASEAN của National University of Singapore, Nanyang Technological University và Yale-NUS (đều ở Singapore). Em quyết định theo học tại National University of Singapore vì với chuyên ngành Sinh học mà em dự kiến theo học, trường có xếp hạng cao nhất.
“Khoảng thời gian săn học bổng, những lúc áp lực và nản lòng, em thường nhớ đến mẹ để thêm động lực. Em vẫn nhớ như in cảm giác dưới trời mưa tầm tã, em trốn sau chiếc áo mưa đang bay phấp phới của mẹ để đến lớp học tiếng Anh. Đến nơi, 2 mẹ con ướt sũng từ đầu đến chân. Vậy nên, em luôn cố gắng săn học bổng để đền đáp công ơn của bố mẹ, giúp bố mẹ giảm gánh nặng về tài chính”, Hải tâm sự.
Trong 3 kiểu người học là tư duy qua hình ảnh (visual learners), người học qua lắng nghe (auditory learners), người thích vận động, khám phá thế giới quan qua cảm xúc và xúc giác (kinesthetic learners), Hải thuộc nhóm đầu tiên. Vì thế, Hải thường đính kèm hoặc vẽ nhiều hình ảnh/bảng biểu trong quá trình học để nhớ lâu hơn. Hải cũng thường xem các video dạy học trên Youtube để bổ sung thêm kiến thức, song song với đó là tra lại các tài liệu trong giáo trình hoặc trên google để kiểm chứng thông tin.
Một số ghi chú của Hải khi học môn Sinh học. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, do đặc thù mỗi môn học khác nhau nên Hải cũng xem xét thêm nhiều cách học khác. Ví dụ môn lập trình, 10x thường dành phần lớn thời gian để thực hành và tự tìm tỏi. Với một số môn về xã hội, em thường rủ các bạn học nhóm để cùng phân tích về những vấn đề trừu tượng, khó tự suy luận.
Trước khi bước vào bài kiểm tra kết thúc môn, Hải thường làm thật nhiều đề thi thử hoặc đề thi cũ. “Có 2 cách làm đề thi thử đó là học xong một lượt hết chương trình rồi mới làm đề. Cách thức hai là vừa làm đề, vừa tra cứu tài liệu. Em thấy cả hai cách này đều hiệu quả”, Hải nói.
Khoảng 2-3 tuần trước kỳ thi, Hải thường lên thời gian biểu chi tiết cho từng ngày, với những mục tiêu cụ thể. Trong kế hoạch của em, các nội dung phải được hoàn thành trước kỳ thi 2-3 ngày. Như vậy, em sẽ không bị căng thẳng, mệt mỏi và rơi vào tình huống cố nhồi nhét mọi thứ vào đầu.
Hải luôn tự nhủ 3 điều: “Năng suất hơn tần suất”, “thư giãn” và “không đa nghi”. Nhiều người nghĩ càng học nhiều, càng đọc sách nhiều, càng làm bài tập nâng cao thì sẽ càng giỏi và hiệu quả, còn với Hải thì khác, em chọn phương pháp học tập, ôn luyện bài trong thời gian ngắn nhưng tập trung cao độ để mang lại hiệu quả. Thay vì làm quá nhiều việc liên tục và không ngừng nghỉ, em luôn dành “khoảng thở” cho bản thân để thư giãn và tái tạo năng lượng. Em thường chọn cách qua phòng bạn chơi, xem phim, hay đơn giản chỉ là đi dạo lòng vòng quanh trường. Cuối cùng, Hải luôn phải tự nhủ bản thân là không được phép nghi ngờ về năng lực của bản thân chỉ vì xung quanh có nhiều người giỏi. Em nhắc nhở bản thân tập trung vào chính mình thay vì lo nghĩ đến việc của người khác để không bị áp lực.
Nhờ những phương pháp trên, kết thúc năm nhất đại học, Hải sở hữu điểm CAP 5.0 sau khi đã điều chỉnh theo chế độ S/U (S/U được sử dụng cho một vài môn học để không tính điểm vào tổng điểm CAP cuối cùng). “5.0 không quan trọng bằng những trải nghiệm mà em đã có trong năm học đầu. Em gặp gỡ những người bạn mới, làm quen với môi trường học mới, và có cho mình những bài học rút ra sau khi hoàn thành các môn học”, 10x tâm sự.
Hải (đứng giữa) cùng các bạn làm thí nghiệm trong phòng lab. (Ảnh: NVCC)
Hải tham gia nhiều chương trình liên quan tới ngành em đang theo học. Em là thành viên của Special Program in Science - chương trình đặc biệt dành cho những bạn học trong ngành khoa học muốn tham gia nghiên cứu trong tương lai. Ngoài ra, trong kỳ nghỉ đông vừa rồi, em tham gia trong một phòng thí nghiệm tại Yale-NUS để trợ giúp nghiên cứu về côn trùng.
Ngoài hoạt động nghiên cứu, nam sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa trong ký túc xá (Ridgeview Residential College hay RVRC) và trong trường. Em tham gia tổ chức các sự kiện để cải thiện đời sống của sinh viên tại RVRC, tổ chức nhạc kịch Esta Noche của du học sinh Việt Nam tại trường và là phó chủ tịch của Jukebox - hoạt động ngoại khóa bao gồm một nhóm những ban nhạc biểu diễn tại những sự kiện trong và ngoài trường.
Bên cạnh đó, em từng tham gia Project DNA thuộc CLB Sinh học với công việc phỏng vấn bệnh nhân phải chạy thận tại National Kidney Federation (NKF) để viết bài trên các trang xã hội chính thức của NKF.
Hải (đứng thứ 2 từ phải sang) biểu diễn cùn nhóm nhạc của trường. (Ảnh: NVCC)
Hải tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá trong thời gian du học. (Ảnh: NVCC)
“Ban đầu em nghĩ nếu tham gia nhiều hoạt động như vậy, cộng với việc học trên trường thì sẽ bị stress. Nhưng chính những giờ phút ấy lại là lúc em có thể thư giãn thật hiệu quả sau những giờ học căng thẳng. Em phân bổ thời gian hợp lý và coi những buổi đi tập diễn, tập hát như những buổi đi chơi với những người bạn”, Hải nói.
Sang năm học tới, Hải dự định tham gia nghiên cứu về ngoại di truyền (epigenetics) - một lĩnh vực trong sinh học đi sâu vào những yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến gene và di truyền cùng với một giáo sư trong trường. Em cũng dự tính đi trao đổi ở châu Âu để tìm hiểu thêm một môi trường mới vào năm 3 đại học.