Người đàn ông cho biết, trước khi vào viện một tuần có đi phát cỏ ở đồi keo. Khi về nhà, người này phát hiện vết loét ở bụng kèm triệu chứng rét run, sốt cao, đau nhức cơ thể.
Ngày 16/12, bệnh nhân thấy khó thở nhiều, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cấp cứu.
Vết thương do bị mò đốt của bệnh nhân. (Ảnh: BSCC).
Theo TS.BS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, người đàn ông nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, tổn thương gan, phổi nặng do bị mò đốt. Các bác sĩ phải hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân.
BS Tình cho biết, ấu trùng mò thường sống ở bụi cây ẩm ướt hoặc hang đá… Người bệnh sau khi bị mò đốt có thể bị ủ bệnh 6 - 21 ngày. Khi khởi phát, người bệnh có biểu hiện sốt cao, rét run, đau đầu, mệt mỏi nhiều. “Bệnh nhân nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng”, BS Tình nói.
Để tránh bị mò đốt, BS Tình khuyến cáo người dân khi đi làm ở những khu vực nhiều bụi rậm hoặc nương, rẫy, đồi núi nên mặc quần áo kín, thậm chí có thể tẩm benzyl benzoate để phòng côn trùng. Ngoài ra, mọi người cũng có thể bôi hoá chất trên da để xua đuổi côn trùng.
“Hiện mò đốt – sốt mò chưa có vaccine phòng tránh nên người dân cần cẩn trọng, để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, BS Tình nhấn mạnh.