Cách đây đúng 70 năm (tháng 11/1950) tên lửa đạn đạo R-1 lần đầu tiên được Liên Xô sử dụng. Sự kiện này mở ra kỷ nguyên mới cho các lực lượng vũ trang Xô Viết, đồng thời tạo ra lá chắn hạt nhân đáng gờm của Matxcơva.
Thử nghiệm tên lửa đạn đạo R-1 của Liên Xô. (Ảnh: RG.ru)
Theo RG, dự án chế tạo loại vũ khí mới do kĩ sư huyền thoại Liên Xô Sergei Korolev đứng đầu. Nhóm các nhà thiết kế do Korolev phụ trách đã lấy tên lửa V-2 của Đức, do Wernher von Braun làm cơ sở để phát triển.
Tuy nhiên, các kỹ sư Liên Xô không có mẫu chế tạo có sẵn của V-2. Người Mỹ là những người đầu tiên tiến vào nhà máy Thuringian trong Thế chiến II năm 1945. Họ đã lấy các nguyên mẫu và loại bỏ tất cả các thiết bị, tài liệu, cũng như các tên lửa còn lại của Wernher von Braun.
Do đó, tên lửa của Liên Xô được tạo ra dựa trên các dữ liệu rời rạc, thậm chí nhiều bộ phận được thực hiện từ đầu. Tuy vậy, các bản sao đầu tiên của tên lửa được lắp ráp chủ yếu từ các linh kiện của Đức.
Các cuộc thử nghiệm trên mặt đất cho thấy, tất cả hệ thống hoạt động bình thường. Tháng 10/1947, quân đội Liên Xô bắt đầu phóng thử nghiệm tên lửa tại bãi thử Kapustin Yar. Vấn đề gặp phải là các tên lửa này không phải là vũ khí chính xác. Với phạm vi bay khoảng 200-230km, độ lệch từ một mục tiêu nhất định của tên lửa này lên tới 180km.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì nguyên bản của chúng là tên lửa V-2 cũng có chỉ số tương tự về độ chính xác. Hitler từng kêu gọi các nhà khoa học Đức khắc phục điều này, với hy vọng có được một "siêu vũ khí" hòng lật ngược tình thế chiến tranh. Nhưng để đạt được kết quả tích cực trong thời gian ngắn là điều vô cùng khó khăn.
Nhận thấy việc sao chép tên lửa của Đức không mang lại kết quả mong muốn, ban lãnh đạo Liên Xô quyết định bắt đầu tạo ra một phiên bản cải tiến của hệ thống tên lửa đạn đạo. Tất cả các thành phần của tên lửa đều sản xuất tập trung ở Liên Xô. Và tên lửa cuối cùng được đặt tên là R-1.
Khi tạo ra tên lửa này, nhiều kim loại và hợp kim khác đã được sử dụng, hình dạng của khí cụ và phần khoang đuôi tên lửa đã thay đổi. Ngoài ra, một động cơ mới đã được phát triển là RD-100/8D51. Chất lỏng etylic được dùng làm nhiên liệu, oxy lỏng được dùng làm chất oxy hóa. Hệ thống dẫn đường đã được thay thế bằng con quay hồi chuyển, ngoài ra thiết bị vô tuyến điện sản xuất trong nước.
Theo đó, R-1 có thể mang đầu đạn nổ (không thể tách rời) nặng 1.075kg. Khối lượng điện tích là 785kg.
Tên lửa đạn đạo R-1 của Liên Xô được dựng ở bãi thử Kapustin Yar.
Lần phóng tên lửa thử nghiệm lần đầu tiên diễn ra vào tháng 9/10/1948. Sau một số lần thất bại trong giai đoạn đầu, một vụ phóng tương đối thành công đã diễn ra sau đó. Tên lửa bay được 288km, nhưng lệch khỏi mục tiêu 5km. Dự án sau đó tiếp tục được hoàn thiện.
Một năm sau, trong số 20 tên lửa được cải tiến, có 17 sản phẩm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các bài kiểm tra cấp nhà nước được công nhận thành công. Kết quả, ngày 28/11/1950, tên lửa đạn đạo nội địa đầu tiên R-1 được Liên Xô đưa vào trang bị. Khoảng 6 tháng sau, R-1 bắt đầu được sản xuất hàng loạt và kéo dài đến năm 1955.
Năm 1957, Liên Xô cho ra mắt tên lửa đạn đạo thế hệ mới R-7, do Cục Thiết kế đặc biệt Số 1 (OKB-1) nghiên cứu, dưới sự giám sát của kĩ sư Sergei Korolev. Tên lửa này đánh dấu bước tiến vượt bậc nhất trong cuộc đua vũ khí đạn đạo thời Chiến tranh Lạnh.
R-7 là tên lửa 2 tầng, có thể đưa một đầu đạn nhiệt hạch đến địa điểm bất kỳ trên toàn cầu. Tuy nhiên, R-7 sau đó trở thành thiết bị phóng nguyên mẫu cho nhiều loại vệ tinh và phi thuyền có người lái.