Một trong những thảm họa tên lửa lớn nhất trong lịch sử nhân loại là vụ nổ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-16 tại bãi phóng Baikonur (Kazakhstan) xảy ra ngày 24/10/1960, khiến 78 người chết, trong đó có nguyên soái Liên Xô Mitrofan Nedelin.
Theo các nhà nghiên cứu, thảm kịch này được xem là hệ quả của cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ giữa thế kỷ XX.
Vụ nổ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-16 tại bãi phóng Baikonur (Kazakhstan) xảy ra cách đây 60 năm.
Vào đầu những 1960, Mỹ triển khai khoảng 40 tên lửa đạn đạo chiến lược, có thể vươn tới lãnh thổ của Liên Xô. Ngoài ra, các tên lửa chiến thuật tầm trung được Mỹ bố trí ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước tình hình đó, điện Kremlin nhận thấy cần phải xây dựng lực lượng đối trọng. Vào cuối những năm 50, Liên Xô đã triển khai 3 loại tên lửa chiến lược là R-5, R-7 và R-12. Nhưng 2 trong số đó có tầm bắn không thể vươn tới Hoa Kỳ. Trong khi tên lửa liên lục địa (ICBM) R-7 của Liên Xô có tầm bắn 8.000 km, nhưng bộc lộ nhiều thiếu sót. Do đó, một vài bệ phóng đã được triển khai để thử nghiệm cải tiến R-7.
Nhược điểm chính của tên lửa R-7 là thời gian chuẩn bị phóng lâu, do đặc tính của nhiên liệu. Ở trạng thái tiếp nhiên liệu, tên lửa chỉ có thể bay được 8 giờ. Do đó, cơ quan OKB-586 (ở Ukraine) do nhà thiết kế Mikhail Yangel đứng đầu, đã đề xuất chế tạo một ICBM mới là R-16, với động cơ tên lửa đẩy lỏng, sử dụng thuốc phóng có nhiệt độ sôi cao, giúp tăng tốc và cho phép tăng thời gian di chuyển. Tuy nhiên, nhiên liệu này rất độc hại và dễ phát nổ.
Ban lãnh đạo Liên Xô ủng hộ ý tưởng này, và đến cuối năm 1957, bản phác thảo của tên lửa mới R-16 đã sẵn sàng. Thời gian bắt đầu các cuộc thử nghiệm bay được lên kế hoạch vào mùa hè năm 1961. Các cuộc thử nghiệm ngắm bắn sẽ diễn ra vào cuối năm 1962. Tuy nhiên, do tình hình quốc tế trở nên cấp bách, kế hoạch thử nghiệm đã được đẩy nhanh hơn dự kiến.
Vào đầu năm 1960, cơ sở hạ tầng cho các cuộc thử nghiệm tên lửa đã được triển khai tại bãi phóng Baikonur. Trước đó, một số vệ tinh đã được phóng thành công lên quỹ đạo và tên lửa R-7 cũng được thử nghiệm tại đây.
Đến cuối mùa hè, các cuộc thử nghiệm tên lửa mới R-16 tại nhà máy đã hoàn thành. Tháng 9, Ủy ban Nhà nước về việc tiến hành các cuộc bay thử nghiệm đã được phê duyệt kế hoạch. Trong thành phần gồm có Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Anh hùng Liên Xô Mitrofan Nedelin và nhà thiết kế Mikhail Yangel, người được chỉ định làm trưởng đoàn kỹ thuật cuộc thử nghiệm.
Ban lãnh đạo Liên Xô muốn thời điểm phóng thành công tên lửa R-16 trùng với ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Do đó người đứng đầu Liên Xô Nikita Khrushchev liên tục gọi đến địa điểm thử nghiệm.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16 của Liên Xô.
Vụ phóng dự kiến vào ngày 23/10, ngay trong ngày tên lửa được nạp nhiên liệu. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, một quyết định “chết người” đã được đưa ra. Do sự không hoàn hảo của hệ thống van điều khiển nhiên liệu, nên đã xuất hiện các tín hiệu sai về hoạt động của chúng. Ngoài ra, xảy ra rò rỉ trong quá trình kích nổ, khiến nhiên liệu có thể tự bốc cháy.
Tối 23/10, trong quá trình chuẩn bị phóng R-16, do tình huống bất thường đã xảy ra, vụ phóng bị hoãn lại cho đến khi làm rõ nguyên nhân. Theo đó, nếu các thông số kỹ thuật được tuân thủ, việc thử nghiệm tên lửa R-16 sẽ phải hoãn lại một tháng. Ủy ban Nhà nước sau đó quyết định sẽ tiếp tục quá trình thử nghiệm mà không có sửa đổi lớn, đồng thời sẽ thực hiện phá vỡ các van nhiên nhiệu (pyromembranes) theo cách thủ công.
Một số điểm hạn chế được xác định và khắc phục. Tuy nhiên, các chuyên gia lên tiếng phản đối việc tiếp tục thử nghiệm, nhưng không được chấp nhận. Trên bãi phóng Baikonur lúc đó có mặt hơn 100 người. Nguyên soái Nedelin cách tên lửa chưa đầy 20m, cùng với nhóm thiết kế chính.
Kế hoạch thử nghiệm vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, các van nhiên liệu (pyromembranes) đã bị vỡ 1 giờ trước khi bắt đầu vụ phóng. Tiếp đó động cơ của giai đoạn thứ hai khởi động trước thời hạn, gây ra một tiếng nổ khủng khiếp, sóng lửa khổng lồ bay ra khắp nơi, thiêu sống nhiều người xung quanh khu vực bãi phóng.
Chỉ 2 giờ sau thảm kịch, lực lượng chức năng mới có thể bắt đầu các hoạt động cứu hộ. Hầu như tất cả những người ở gần tên lửa đều chết tại chỗ, trong đó có nguyên soái Liên Xô Mitrofan Nedelin. Nhà thiết kế Yangel sống sót một cách thần kỳ, khi vô tình vào boongke hút thuốc cùng đồng nghiệp. Sau đó, chính Yangel là người đã báo cáo với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev về vụ nổ.
Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Anh hùng Liên Xô Mitrofan Nedelin.
Vụ tai nạn khiến 74 người thiệt mạng và 49 người bị thương. 4 nạn nhân sau đó chết trong bệnh viện. Sự việc xảy ra ở Baikonur ngay lập tức được chính quyền Liên Xô điều tra chi tiết. Sau đó, nguyên nhân cái chết của Nguyên soái Nedelin được đưa ra là do tai nạn.
Chính quyền Liên Xô cũng quyết định không trừng phạt những người sống sót, vì các kỹ thuật viên chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự cố đã thiệt mạng trong vụ nổ.
Lý do chính thức của thảm họa được nêu ra là do vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu an toàn.
Sau vụ tại nạn, Liên Xô tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện tên lửa R-16. Vụ phóng tên lửa R-16 sau đó diễn ra thành công vào ngày 2/2/1961. Đến tháng 10/1962, tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16 được Liên Xô đưa vào trang bị. 3 năm sau đó, có 186 bệ phóng R-16 đã được triển khai trên khắp lãnh thổ Liên Xô.