Thời gian gần đây, các nhà xuất khẩu hạt điều thô tại châu Phi không giao hàng theo hợp đồng hoặc tìm cách tăng giá bán 40-50%, đẩy nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam gặp khó, nguy cơ thua lỗ nặng.
Phân tích với VTC News về thực trạng này, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, theo luật quốc tế thì khi nào các doanh nghiệp bị hại trình qua toà án đầy đủ chứng cứ chứng minh thì tòa án sẽ tiến hành xét xử.
Trong những điều khoản của hợp đồng đều có điều khoản nếu tranh chấp sẽ khởi kiện ra toàn án.
Tuy nhiên, việc đưa ra tòa án quốc tế sẽ rất khó khăn, phức tạp vì họ đều lựa chọn tòa án ở nước ngoài như Dubai, Singgapore…Tại đây có luật lệ, ngôn ngữ nước ngoài xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, chi phí ra nước ngoài, chi phí thuê luật sư sự am hiểu về pháp luật, điều khoản của nước ngoài để tranh đấu…rất tốn kém. Đôi khi, những chi phí này còn cao hơn giá trị bị thiệt thòi.
"Trước đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn khởi kiện nhưng đã phải dừng lại sau khi tính toán thiệt - hơn”, ông Nhựt nói.
Do đó, theo ông Nhựt, khi xảy ra tranh chấp thì phương án tối ưu nhất là đàm phán với các đối tác, nhờ sự tác động của cơ quan chức năng, tham tán thương mại.
Doanh nghiệp nhập khẩu điều thô Việt Nam lao đao vì thiếu nguyên liệu. (Ảnh minh họa)
Trong số các đối tác, cũng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh có uy tín và họ sẵn sàng hợp tác, bàn luận để đưa ra phương án tối ưu nhất. Tuy vậy, cũng có những doanh nghiệp bất tuân hợp đồng, bất chấp uy tín để "xù hàng" nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá bán so với hợp đồng đã ký kết.
Những doanh nghiệp này sau một thời gian, họ thường tiếp tục lập nên một công ty mới, thương hiệu mới và người đại diện pháp luật hoàn toàn mới để xoá dấu vết cũ.
“Việc chuyển đổi này khiến các doanh nghiêp Việt khó nắm bắt. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ tự chủ được 10 - 12% nên dù thế nào chúng ta cũng phải phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài và luôn đối diện nhiều nguy cơ, thiệt thòi”, ông Nhựt cho biết thêm.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn hạt điều, trong đó khoảng 800.000 tấn từ Bờ Biển Ngà, 700.000 tấn từ Campuchia. Số lượng còn lại là nhập khẩu từ Tanzania, Đông Phi và các nước khác.
Theo ông Nhựt, thời điểm này, các doanh nghiệp đang nhập khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà vì nước này đang vào vụ. Tuy nhiên năm 2024, Chính phủ nước Bờ Biển Ngà đã ban hành chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước thu mua nguồn nguyên liệu trước để bình ổn thị trường, sau đó sản lượng điều thô còn lại mới mở cửa xuất khẩu tự do.
Điều này đã làm giảm một nguồn cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam.
"Năm nay, tại các nước châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà đã xảy tình trạng Elnino cực kỳ tai hại, ảnh hưởng lớn đến sản lượng của cây điều, dẫn đến sản lượng thấp, hàng hóa khan hiếm và giá điều thô tăng cao”, ông Nhựt nói.
Nhiều hợp đồng trước đây ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam ở mức giá thấp. Trong khi hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Phi đã đẩy giá điều thô tăng hơn 40 - 50% so với tháng 2 và 3, lên 1.500 - 1.700 USD/tấn.
“Nếu họ đóng gói giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm này theo hợp đồng đã ký kết thì mỗi tấn điều thô họ lỗ 200 - 500 USD, trong khi điều không chỉ bán theo tấn, mà bán theo hàng chục nghìn tấn.
Như vậy, với con số này, họ cho rằng sẽ bị thất thu lợi nhuận rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đối tác đã không giao hàng đúng như cam kết cho doanh nghiệp Việt ”, ông Nhựt nói.
Các doanh nghiệp này đã đưa ra nhiều điều kiện để giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam phải trợ giá bằng việc chia đôi phần giá tăng, tức là doanh nghiệp Việt phải chi trả thêm từ 200 - 300 USD/tấn.
Hoặc là họ sẽ đóng hàng kém chất lượng để cấn trừ chất lượng, nhằm không bị thiệt thòi về giá chênh lệch. "Chẳng hạn, chúng ta ký hợp đồng loại hàng 50 lbs (điểm chất lượng hạt điều) thì họ chỉ giao hàng 44 - 45 lbs", ông Nhựt giải thích.
Trước thực tế này, ông Nhựt cho biết, Vinacas đã gửi văn bản đề nghị Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà nhắc nhở hội viên thực hiện đúng hợp đồng đã ký.
Đồng thời sẽ gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động tới các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển vùng nguyên liệu, chất lượng giống. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Khó mở rộng diện tích trồng điều
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, trước đây cây điều được trồng theo chương trình trồng cây xanh để phủ đất trống đồi núi trọc. Sau một thời gian, việc thu hoạch điều đã đem lại giá trị kinh tế cao. Việt Nam từ một nước xuất khẩu điều thô đã thu mua, chế biến, xuất khẩu điều nhân.
Dện tích trồng điều cả nước là 322.307 ha, sản lượng khoảng 341.680 tấn/năm. Dù năng suất và tổng giá trị so với các loại cây trồng khác thấp nhưng so với thế giới thì vẫn khá cao.
"Tuy vậy, việc tái canh điều như cây cà phê không thể thực hiện được do vấn đề kỹ thuật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng tốt, do vậy, muốn tái canh điều thì phải trồng lại.
Nhưng nếu chặt loại cây khác để trồng điều thì nhiều người dân sẽ không thực hiện vì thời gian phát triển của cây điều rất lâu, thấp nhất là 5 năm và hiệu quả của cây điều cũng không cao như các loại cây trồng khác", ông Cường nói.