Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch xuất ngoại phá thai của phụ nữ Brazil

Do chỉ được phép phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc nguy hiểm đến tính mạng, nhiều phụ nữ Brazil phải bay sang nước ngoài để làm thủ thuật này.

Gần đây, Argentina đã chính thức hợp pháp hóa việc phá thai, góp phần mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho hàng nghìn phụ nữ ở quốc gia láng giềng Brazil.

Sara, 20 tuổi, rời ngôi nhà ở thành phố Belo Horizonte và chuẩn bị lên chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời.

Cô đã không nói với gia đình mục đích của chuyến đi cũng như lý do thực sự khi vay 5.000 BRL (962 USD).

Cách đó gần 600 km ở Sao Paulo, một phụ nữ 25 tuổi giấu tên cũng chuẩn bị hành lý rời khách sạn và lên đường ra sân bay cùng bạn trai.

Hai người phụ nữ với những số phận khác nhau đều đang hướng về thủ đô Buenos Aires của Argentina để thực hiện một quy trình vốn bị cấm ở Brazil: Phá thai.

Sara đứng tại sân bay Guarulhos gần Sao Paulo, Brazil, chờ chuyến bay tiếp theo đến Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: AP)

 

Nỗ lực để có khởi đầu mới

Để tránh rủi ro và trở ngại pháp lý ở quốc gia đông dân nhất châu Mỹ Latin, họ tìm cách phá thai ở những quốc gia khác trong khu vực. Argentina là lựa chọn điển hình vì người dân Brazil không cần hộ chiếu để đi vào quốc gia láng giềng này.

Chuyến đi của họ diễn ra chỉ hai tuần trước ngày 30/12, khi mà đạo luật hợp pháp hóa việc phá thai được thông qua ở Argentina.

Điều này cho thấy sự tiến bộ trong chính sách xã hội của quốc gia lớn thứ 2 châu Mỹ Latin, khác hoàn toàn với sự bảo thủ trong luật pháp của Brazil.

Sara cho biết cô không muốn mạo hiểm với nguy cơ mua phải thuốc phá thai giả hoặc trải qua quy trình lén lút ở Brazil. Cô sợ rằng nếu không thành công có thể dẫn đến các biến chứng hoặc thậm chí mất mạng, còn nếu bị bắt thì sẽ phải ngồi tù.

Bộ Y tế Argentina đã cung cấp thời gian pháp lý cho việc phá thai của Sara vào 14/12, miễn là cô có thể liệt kê những “rủi ro sức khỏe” mà việc mang bầu gây ra.

Theo luật mới, phụ nữ sẽ được phép phá thai trước tuần thứ 14 của thai kỳ.

Đối với nhiều phụ nữ ở các khu ổ chuột tại Brazil, phá thai không phải là sự lựa chọn. (Ảnh: National Geographic)

 

Còn đối với cô gái 25 tuổi đến cùng bạn trai từ Sao Paulo, đây là hành trình để thoát khỏi thực tại và làm lại cuộc đời.

Lớn lên trong một khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, cô thường xuyên chứng kiến những ca mang thai ngoài ý muốn đã hủy hoại cuộc sống của người phụ nữ.

Cô rời quê nhà ngay sau khi tìm được công việc ổn định và đang theo đuổi sự nghiệp trong mảng y tế. Người phụ nữ muốn giấu tên vì lo sợ ảnh hưởng đến công việc và vì phá thai là bất hợp pháp ở Brazil.

Được nuôi dạy trong một gia đình theo đạo Tin Lành, cô cho biết phá thai ở đất nước này đồng nghĩa với việc vi phạm đức tin lẫn luật pháp quốc gia.

Tuy nhiên, cô tin rằng Chúa có thể tha thứ khi bản thân phải chọn con đường này.

Quyền tự chủ và phẩm giá của phụ nữ

Trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 30/12, các nhóm nữ quyền Argentina từ lâu đã thúc đẩy việc hợp pháp hóa phá thai ở quốc gia vốn là quê hương của Giáo hoàng Francis.

Khi Tổng thống Alberto Fernández được bầu vào năm 2019, họ đã tìm thấy tiếng nói chung thông qua dự luật mà ông đưa ra.

Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, người chủ trì cuộc tranh luận tại một cơ quan lập pháp có hơn 40% thành viên là phụ nữ, đã thông báo về việc thông qua dự luật.

Khi đó, một đám đông khoảng vài nghìn người bên ngoài vỡ òa trong tiếng reo hò và những cái ôm đầy nước mắt. Ngược lại, trong Quốc hội Brazil, nơi có đến 85% người lập pháp là nam giới, chưa có bất cứ động thái nào.

Phụ nữ Brazil biểu tình đòi hợp pháp hóa việc phá thai ở Rio de Janeiro. (Ảnh: Reuters)

 

Luật pháp Brazil hầu như không thay đổi kể từ năm 1940, chỉ cho phép phá thai trong những trường hợp bị hãm hiếp và nguy hiểm đến tính mạng. Một phán quyết của Tòa án Tối cao vào năm 2012 cũng chỉ cho phép phá thai khi thai nhi bị biến chứng não.

Theo cơ quan giám sát Phụ nữ trong Quốc hội, kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1/2019, các nhà lập pháp đã đưa ra ít nhất 30 dự luật nhằm hạn chế quyền tự chủ của phụ nữ.

Được ủng hộ bởi những người bảo thủ và truyền giáo, Bolsonaro đã nói rằng nếu Quốc hội hợp pháp hóa việc phá thai, ông sẽ phủ quyết.

Ông đã chỉ định mục sư truyền giáo Damares Alves - người phản đối việc phá thai ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp - trở thành bộ trưởng về phụ nữ, gia đình và nhân quyền.

Chúng tôi đang làm hết sức có thể để quan tâm và bảo hộ những phụ nữ mang thai, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt”, Damares nói. "Sẽ không ai muốn rời Brazil mà chúng tôi đang gầy dựng, huống gì là giết chính đứa con của họ trên mảnh đất này".

Những nỗ lực thay đổi hệ thốngDiniz, nhà nghiên cứu từ Đại học Brown, đã thực hiện một cuộc khảo sát vào năm 2016 ở Brazil với kết quả 1/5 người được hỏi từng phá thai trước tuổi 40.

Cuộc thăm dò trên 2.002 phụ nữ Brazil cho thấy tỷ lệ phá thai cao hơn ở những người không có học vấn và thu nhập thấp.

Năm 2018, một quan chức Bộ Y tế cho biết chính phủ ước tính khoảng 1 triệu ca phá thai hàng năm. Các quy trình không an toàn khiến hơn 250.000 ca nhập viện và 200 trường hợp tử vong.

“Phá thai là điều không còn xa lạ trong cuộc đời của một người phụ nữ. Nhưng đồng thời, đó là một vấn đề chính trị nhạy cảm và bị những người đàn ông nắm quyền làm cho nhạy cảm hơn”, Diniz nói.

Phụ nữ Argentina ăn mừng khi Quốc hội thông qua đạo luật hợp pháp hóa phá thai. (Ảnh: AP)

 

Cả Sara và cô gái giấu tên đến từ Sao Paulo đều tìm kiếm sự trợ giúp từ Miles for Women’s Lives, một tổ chức phi lợi nhuận do 2 nhà biên kịch Juliana Reis và Rebeca Mendes thành lập.

Rebecca nổi tiếng ở Brazil khi công khai chuyện cô sang nước khác để phá thai vào năm 2017. Chỉ trong năm 2020, tổ chức Miles for Women’s Lives đã tài trợ cho 59 phụ nữ phá thai ở nước ngoài.

Rebecca cho biết Miles for Women's Lives nhận được khoảng 4.000 BRL (770 USD) mỗi tháng từ huy động vốn cộng đồng và chỉ đủ trả chi phí đi lại cho khoảng 1/5 phụ nữ. Trong khi, nhóm nhận được khoảng 1.500 yêu cầu hỗ trợ từ khắp các nước Mỹ Latin.

Sau khi Argentina thông qua dự luật, tổ chức hy vọng sẽ cung cấp cho nhiều phụ nữ Brazil hơn một lựa chọn hợp pháp, an toàn và giá cả phải chăng ở quốc gia láng giềng.

Dù thường xuyên bị các nhà hành pháp cảnh báo về hoạt động lách luật, theo Rebecca, đây chỉ là khởi đầu cho một sự đổi mới toàn diện.

"Ở Brazil và ở nhiều nơi khác trên thế giới, tôi tin rằng đều có những phụ nữ cần sự hỗ trợ này", Sara nói sau khi phá thai thành công ở xứ người.

Nguồn: Zing News

Tin mới