Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giảm thiểu ùn tắc. Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu luôn diễn ra cảnh xe máy đi kín làn đường ưu tiên dành cho BRT, đặc biệt ở khung giờ cao điểm.
Cảnh xe máy chặn đầu, chặn đuôi BRT thế này là điều thường thất trên tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ.
Biển báo, vạch kẻ đường không làm thay đổi thói quen vi phạm giao thông của những người thiếu ý thức.
Khó nhận ra đâu là làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT. Nhiều người dường như quên mất sự tồn tại của làn đường ưu tiên này.
Suốt 8 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh này thường bị gọi là "tuyến buýt chậm".
Tình trạng xe máy tạt đầu xe buýt nhanh diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là khi BRT giảm tốc vào trạm dừng đón trả khách.
Mỗi điểm ra vào bến dọc tuyến buýt nhanh BRT đều có hệ thống camera giám sát của cảnh sát giao thông. Hình ảnh thu được từ các camera này sẽ là cơ sở để phạt nguội những phương tiện cố tình vi phạm.
Mặc dù quy định phạt dành cho hành vi lấn làn BRT (lên tới 400 nghìn đồng đối với xe máy, 1,2 triệu đồng đối với ô tô, kèm theo tước bằng lái 2 tháng) đã có hiệu lực từ lâu, tình trạng các phương tiện đi vào làn dành riêng cho xe buýt nhanh vẫn không hề giảm.
Các tài xế BRT cho biết tình trạng này diễn ra thường xuyên, hàng ngày kể từ khi hệ thống buýt nhanh hoạt động đầu năm 2017 đến nay.
Không phải giờ cao điểm, xe máy vẫn đi vào làn đường ưu tiên của buýt nhanh BRT.
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Tháng 12/2016, tuyến xe buýt nhanh dài 14,77km đi vào hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ.
Ngày 15/4 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, do hạn chế hạ tầng, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11 trong tương lai.
Cũng theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được một và còn gặp nhiều hạn chế, bất cập.