Bức họa "Salvator Mundi" (Đấng cứu thế) của Leonardo da Vinci thoạt nhìn có vẻ đơn giản: Bức tranh mô tả Chúa Jesus trong trang phục thời Phục hưng, giơ tay chúc phúc và cầm một quả cầu trong suốt.
Tuy nhiên, quả cầu này dường như thách thức định luật quang học, châm ngòi cho cuộc tranh cãi về thứ được da Vinci dùng làm nguồn cảm hứng của mình. Theo lập luận của một nghiên cứu mới, quả cầu trong tranh có thể là mô tả thực tế của một quả cầu thủy tinh rỗng, thay vì quả cầu tinh thể đặc như nhiều người vẫn nghĩ lâu nay.
Bí ẩn bức họa 450 triệu USD
"Salvator Mundi" là bức họa có quá khứ đầy kịch tính. Nhiều khả năng nó ra đời vào khoảng những năm 1500, sau đó được Vua Charles I của Anh mua lại vào khoảng những năm 1600. Năm 1659, Charles I bị xử tử sau một cuộc nội chiến. Năm 1651, một thợ xây tên John Stone mua bức họa. Năm 1660, thợ xây này trả lại tác phẩm nghệ thuật cho Charles II, con trai của Charles I - người giành lại ngai vàng năm đó.
“Salvator Mundi” của Leonardo da Vinci được trưng bày trong phòng đấu giá ở London năm 2017. (Ảnh: AP)
Tung tích "Salvator Mundi" chìm vào quên lãng cho đến năm 1900, khi nó được bán lại nhưng không phải dưới danh nghĩa là tranh của da Vinci, mà là tác phẩm của một trong những học trò của đại danh họa.
Chỉ đến năm 2011, sau khi những người bảo quản chuyên nghiệp nắm giữ và phục chế "Salvator Mundi", các chuyên gia nghệ thuật lúc này mới đánh giá lại bức kiệt tác và nhận định nó có thể được vẽ bởi chính da Vinci. Năm 2017, một hoàng tử Ả Rập mua bức họa đấu giá với mức giá kỷ lục 450 triệu USD.
Quả cầu trong “Salvator Mundi” vẫn luôn là bí ẩn lớn khiến các nhà khoa học đau đầu. Quả cầu nằm trên tay trái của Chúa Jesus, một vài tia sáng được vẽ như thể trong một khối cầu tinh thể đặc. Tuy nhiên, một quả cầu như vậy sẽ phóng to và đảo ngược hình ảnh của mọi thứ phía sau nó do khúc xạ ánh sáng. Trong khi đó, quả cầu trong bức tranh không hề như vậy, áo choàng và lòng bàn tay của Chúa Jesus dường như không hề bị méo mó biến dạng sau thấu kính.
Không chỉ là họa sỹ, Leonardo da Vinci còn là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sỹ, bác sỹ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và triết học tự nhiên. Ông được coi là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại. Thời điểm “Salvator Mundi” được vẽ, da Vinci là một sinh viên say mê nghiên cứu quang học và có lẽ không mắc phải sai lầm đó một cách bất cẩn. Các nhà sử học nghệ thuật từng tranh cãi suốt nhiều thập kỷ về chất liệu tạo nên quả cầu và liệu có phải Da Vinci cố tình vẽ nó không chính xác.
Hành trình giải mã và những tranh cãi không hồi kết
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California (Irvine, Mỹ) sử dụng phần mềm đồ họa máy tính để tái tạo bức sơn dầu “Salvator Mundi”, từ đó nghiên cứu cách ánh sáng được khúc xạ qua các quả cầu thủy tinh khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng, trong môi trường ánh sáng mờ, nguồn sáng mạnh dội từ trên cao kết hợp với quả cầu thủy tinh rỗng có thể tái tạo chính xác cảnh tượng trong "Salvator Mundi". Các nhà nghiên cứu kết luận, quả cầu đó có thể có bán kính 6,8cm và độ dày chỉ 1,3mm, nó sẽ không tạo ra bất kỳ khúc xạ nào khiến áo choàng của Chúa Jesus biến dạng.
Áo choàng và lòng bàn tay Chúa Jesus không hề bị méo mó biến dạng sau quả cầu. (Ảnh: Artsy)
Tuy nhiên, nhà sử học mỹ thuật Andrew Martin Kemp (học giả của Oxford và chuyên gia hàng đầu về thời Phục hưng) không bị thuyết phục bởi nghiên cứu này.
Trong cuốn sách mới của mình, "Leonardo's Salvator Mundi and the Collecting of Leonardo in the Stuart Courts" (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020), Kemp chỉ ra rằng đại danh họa người Ý có niềm đam mê với các tinh thể đá và tính quang học của chúng tại thời điểm "Salvator Mundi" được vẽ.
Ông cũng liệt kê một số ví dụ về các bức họa trong đó da Vinci tinh chỉnh các định luật vật lý và ánh sáng để tạo ra tác phẩm đẹp mắt hơn. Chẳng hạn, trong các bức tranh về lễ rửa tội của Chúa Jesus, Da Vinci không hề miêu tả sự khúc xạ ánh sáng trong môi trường nước bởi việc này sẽ khiến đôi chân của các nhân vật bị lệch. Da Vinci cũng vẽ cậu bé Jesus lớn một cách bất thường như biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật thiên tính của Chúa Jesus.
Theo Kemp, thiên tài toàn năng người Ý biết cách vận dụng phương pháp nghệ thuật trong các tác phẩm của mình và có khả năng đã làm tương tự với quả cầu trong "Salvator Mundi".