Bà Trần Thị Dần (phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) người phụ nữ nghèo năm nay hơn 60 tuổi mắc bệnh u mật (hội chứng Guillain- Barre) vừa được quỹ BHYT chi trả với số tiền lên đến gần 600 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với một người nông dân như bà Dần.
Nơi bà Dân sinh sống là ngôi nhà cấp bốn chừng hơn 20 mét vuông xuống cấp, trên mảnh vườn còn trơ lại một vài gốc rau vì lâu ngày không có bàn tay con người chăm sóc. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế lâu năm và chiếc xe đạp cà tàng. Trên chiếc giường cũ, bà Dần thân hình ốm yếu, xanh xao. Tuy không nói được, nhưng ánh mắt bà vẫn lấp lánh niềm vui. Cô con dâu của bà Dần đang nhẹ nhàng xoa bóp tay chân với hy vọng giúp mẹ giảm bớt cơn đau nhức đang không ngừng hành hạ.
Thực tế có nhiều người lao động, đặc biệt là người làm nghề lao động tự do vẫn chưa được tham gia BHXH, BHYT. (Ảnh: Trọng Tùng)
Bà Dần là người phụ nữ đơn thân, một mình nuôi 4 người con trưởng thành bằng mấy sào ruộng khoán. Cứ sau mỗi mùa lúa, bà lại bươn chải đủ nghề từ phụ hồ, cuốc đất, dọn vườn tược cho đến dọn dẹp nhà cửa, mấy năm nay sức khỏe yếu bà mới nghỉ hẳn. Bà con bên ngoại đều nghèo, cả 4 người con đã có gia đình nhưng đều đi làm thuê, làm mướn xa nhà, cuộc sống phải “giật gấu vá vai” nên không giúp đỡ được cho bà.
Cách đây mấy năm, bà Dần được Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, nhân viên tổ chức dịch vụ thu và cán bộ BHXH thị xã Kỳ Anh đến tận nhà vận động tham gia BHYT hộ gia đình.
Tuy kinh tế còn khó khăn, nhưng sau khi hiểu rõ ý nghĩa của chính sách, bà tham gia BHYT hộ gia đình liên tục gần chục năm nay.
Chính vì thế, khi đổ bệnh, ngoài việc được quỹ BHYT chi trả lên đến 80% chi phí KCB, bà Dần còn được hưởng thêm quyền lợi “5 năm liên tục”. Đây là quyền lợi rất lớn của người bệnh khi tham gia BHYT, mà nhiều người thường không mấy quan tâm.
Chị Mai - con dâu bà Dần chia sẻ: “Khi nghe bác sĩ báo tin mẹ mắc bệnh u mật, viêm đa rễ thần kinh, phải điều trị lâu dài và rất tốn kém, gia đình em như rơi vào ngõ cụt vì không biết bám víu vào đâu. Vợ chồng em bàn nhau định đưa mẹ về vì không có tiền điều trị. Thật may mắn, thẻ BHYT đã chi trả phần lớn chi phí KCB cho gia đình em”.
Hơn 1 năm trước, lúc đang là công nhân nhà máy sản xuất gạch men ốp lát, anh Nguyễn Văn Thủy (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bị tai nạn lao động. Quá trình làm việc tại phân xưởng, anh bị dập đốt ngón tay khi đang căn chỉnh dây curoa của băng chuyền đỡ gạch.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh Thủy được đưa vào thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn và giám định y khoa để xác định tỷ lệ thương tật với tỷ lệ tổn thương cơ là 6%. Do đang tham gia BHXH tại doanh nghiệp, với tỷ lệ tổn thương dưới 31%, anh Thủy được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN) chi trả chế độ một lần.
"Sau khi ra viện, tôi được BHXH chi trả số tiền là 44 triệu đồng, tương đương với khoảng 4 - 5 tháng lương lúc ấy. Trong hơn 1 tháng nghỉ việc ở nhà điều trị, số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình rất nhiều trong sinh hoạt, thuốc men điều trị. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH", anh Thủy tâm sự.
Nếu muốn có một điểm tựa lúc ốm đau, tai nạn thì người dân nên tham gia BHXH và BHYT tự nguyên. (Ảnh: Trọng Tùng)
Chế độ bảo hiểm TNLĐ - BNN quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động (được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 25/6/2015) phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ người lao động chẳng may bị tai nạn hay bệnh nghề nghiệp trong lúc làm việc.
Theo quy định, đối tượng áp dụng chính sách là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì sẽ được hưởng chế độ.
Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý và bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, BHXH sẽ chi trả trợ cấp một lần đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% và trợ cấp hằng tháng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Mặc dù chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN đã được thực hiện từ 8 năm nay nhưng nhiều nơi, nhiều lao động và cả chủ sử dụng lao động vẫn chưa nắm rõ chính sách này.
Theo quy định tại Nghị định số 58/2020 của Chính phủ, trách nhiệm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN thuộc về người sử dụng lao động với mức đóng bằng 0,5% mức lương cơ sở cho mỗi người lao động. Mức đóng sẽ chỉ còn 0,3% nếu doanh nghiệp bảo đảm một số điều kiện: Trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về an toàn vệ sinh lao động đúng thời hạn; tần suất TNLĐ giảm từ 15% trở lên/năm.
Để việc thực hiện chính sách hiệu quả, thời gian qua cơ quan BHXH phối hợp với nhiều bên tạo cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động, trong đó có đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN.
Cùng với đó, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên rà soát, cải tiến quy trình sản xuất, môi trường làm việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Tùy tính chất công việc, doanh nghiệp phối hợp với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm người lao động mắc BNN để có biện pháp điều trị hiệu quả. Đánh giá của BHXH tỉnh, đa số chủ sử dụng lao động đã chấp hành tốt quy định, quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động.
Bà Bùi Thị Kim Loan - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định hiện hành của Luật An toàn vệ sinh lao động, đối với những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Theo bà Loan, lao động cần có thông tin và biết chắc chắn rằng doanh nghiệp phải tham gia đóng BHXH cho mình. Trong trường hợp chủ sử dụng không đóng BHXH cho lao động mà lao động đó không may bị TNLĐ hoặc mắc BNN thì chủ sử dụng đó phải đóng toàn bộ chi phí có liên quan, bao gồm cả các khoản tiền trợ cấp hàng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho người lao động thay cho cơ quan BHXH.