Bà N.T.N (72 tuổi, ở Nam Định) phát hiện mắc ung thư đại tràng, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện K. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, bà phải truyền hóa chất. Tuy nhiên, người thân của bà chia sẻ họ phải tự ra ngoài mua kim luồn truyền dịch vì bệnh viện thông báo đã hết.
Còn bệnh nhân L.T.H (ở xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) mắc bệnh suy thận nhiều năm nay. Được biết mỗi tuần, ông phải vào bệnh viện 3 lần để chạy thận. Các chi phí chạy thận, vật tư được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, ông và nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thêm găng tay y tế, băng dán y tế để sử dụng mỗi lần chạy thận.
“Gần đây bệnh viện thông báo thiếu găng tay nên bệnh nhân phải tự mua bên ngoài, mang vào theo mỗi lần chạy thận. Gần đây, bệnh viện cũng bị thiếu cả băng dính y tế, chúng tôi cũng phải mua ngoài”- bệnh nhân H. chia sẻ.
Bệnh nhân xin chuyển bệnh viện khác
Đại diện Khoa Dược tại một bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ, bệnh viện đang thiếu thuốc kháng sinh liều cao. Được biết, thuốc này dự kiến tháng 1/2022 có thầu nhưng hiện chưa có kết quả. Mặc dù bệnh viện đã dự trữ và chủ động mua nhưng không bù đắp được lượng phải đấu thầu.
“Bệnh viện cần 50.000 lọ kháng sinh liều cao mỗi năm, nhưng đến nay chưa có lọ nào. Bên cạnh đó, thuốc biệt dược không mua được nhiều do kinh phí rất đắt”- đại diện bệnh viện cho biết.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều bệnh viện khác hiện thiếu nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc Clostridium Botulinum.
(Ảnh minh họa)
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nơi đây thiếu nhiều loại thuốc gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc Clostridium Botulinum.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho hay, các thuốc giải độc có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong.
Khi những thuốc đặc hiệu bị thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Còn tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị khiến bệnh viện phải chuyển bệnh nhân đến nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh… Đại diện bệnh viện này chia sẻ, có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến bệnh viện khác để điều trị.
“Bệnh viện phải áp dụng kỹ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh... Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chất lượng dịch vụ, gây áp lực cho nhân viên y tế”- đại diện bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương chia sẻ.
Vừa qua, bên lề Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Thực trạng và giải pháp”, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) khẳng định: “Tình trạng thuốc không thiếu, vấn đề ở đây là đấu thầu”.
Theo ông Truyền, chỉ ra nguyên nhân do tâm lý cán bộ bệnh viện sợ sai không dám đầu thầu và quy chế đấu thầu cần phải xem xét lại.
“Có tình trạng bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc trong bệnh viện và kết quả là không có. Tuy nhiên, khi ra thị trường bên ngoài thì phổ biến. Tất nhiên sẽ có một số loại thuốc bị đứt gãy nguồn cung ứng. Như vừa rồi thiếu thuốc Protamin sulfat thì ngay lập tức ta nhập về 28.000 hộp, đây là tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng tạm thời”- ông Truyền chia sẻ.
Theo ông Truyền để tránh tình trạng khan hiếm thuốc thì cần sửa quy chế đấu thầu. “Thuốc không thiếu, nhưng nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không sửa quy chế đấu thầu thì sẽ không có thuốc”, ông Truyền nói.
Chuyên gia cho rằng, tình trạng thuốc không thiếu, vấn đề ở đây là đấu thầu.
Chưa chủ động được nguồn biệt dược
Đánh giá về tình hình ngành dược hiện nay, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Năm 2021, tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng là 6,92 tỉ USD (tương đương 73 USD/người); tiền thuốc trong nước chiếm 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu tập trung sản xuất thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic), chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị… Trong khi đó, tại thị trường dược Việt Nam, các thuốc phát minh chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu nhập khẩu.
Đặc biệt, đối mặt với dịch bệnh vừa qua, ngành dược Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu, nhất là việc có tới 80- 90% nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu; trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung lớn nhất. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, việc sản xuất các nguồn nguyên liệu bị gián đoạn ở các quốc gia này, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn hóa chất dược phẩm nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất trong nước thời gian qua”- ông Vũ Tuấn Cường cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, hiện việc sản xuất thuốc trong nước vẫn còn một số hạn chế như: Các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu đầu tư các dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản mà rất hạn chế đầu tư, áp dụng công nghệ để sản xuất các dạng bào chế hiện đại. Việc đầu tư còn trùng lắp, sản xuất thuốc có giá trị thấp, các dây chuyền sản xuất đơn giản, chủ yếu tập trung các loại thuốc thông thường và “nhái” mẫu mã…
Hiện các thuốc biệt dược, một số thuốc chuyên khoa đặc trị với với dạng bào chế phức tạp vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài; nguyên nhân là do thiếu sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước về vốn và đầu ra của sản phẩm.
Bên cạnh đó, trong khi phát triển sản xuất thuốc generic hiện là ưu tiên của nhiều quốc gia bao gồm cả các nước phát triển thì chính sách hỗ trợ phát triển thuốc generic vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Về trình độ về kỹ thuật công nghệ của nhân lực ngành Dược hiện vẫn còn hạn chế, chưa có cơ hội tiếp cận và được đào tạo nâng cao, tiếp cận công nghệ hiện đại, công tác nghiên cứu áp dụng kỹ thuật bào chế mới chưa được chú trọng triển khai và áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở có khả năng tìm kiếm đối tác và có định hướng nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy EU-GMP, PICs-GMP để phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ cũng còn gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư. Thiếu vốn cũng làm cho việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đầu tư cho các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu điều trị bệnh bị hạn chế.
Đặc biệt, Việt Nam cũng chưa phát triển được thế mạnh của nước có tiềm năng về dược liệu và nền y học cổ truyền, sản xuất được vaccine và phát triển hóa dược nhằm tăng khả năng đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp dược Việt Nam.
Chính phủ vừa có Quyết định về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng các cơ chế, giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập để từng bước đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan triển khai.
Theo đó, mục tiêu lớn nhất là cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
Để phát triển công nghiệp dược, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho rằng: Hiện các chính sách ưu đãi với ngành Dược đã ở mức tối đa; các ưu đãi đầu tư cho ngành Dược như miễn thuế đất, các chính sách ưu đãi cũng cần có cách có thể thu hút và tổ chức thực hiện được. Các lĩnh vực công nghiệp dược cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ bào chế và nâng cao chất lượng sản phẩm; sản xuất nguyên liệu; xây dựng các trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm và chuyển giao công nghệ vaccine đa giá; phát triển nguồn dược liệu trong nước; nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm dược phẩm.