Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân COVID-19 người Anh: 'Ở nơi nào khác trên hành tinh, chắc tôi chết rồi'

(VTC News) -

Đài BBC đã kể về hành trình Việt Nam cứu sống phi công người Anh mắc COVID-19, đây là ca nặng nhất mà các y bác sĩ gặp phải trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua.

Stephen Cameron - viên phi công quê ở Scotland thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK), đã có tới 68 ngày phải thở máy sau khi mắc căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Đây là quãng thời gian có lẽ dài hơn bất cứ khoảng thời gian nào mà một bệnh nhân thở máy ở Anh Quốc phải trải qua. Và anh đã đi qua quãng thời gian này, không phải ở thị trấn quê nhà Motherwell mà là ở TP.HCM tại Việt Nam cách xa hàng ngàn dặm, không có người nhà hay bạn bè thân thích kề bên.

Bệnh nhân phi công Stephen Cameron được các nhân viên bệnh viện cho ăn trên giường bệnh. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Biết ơn Việt Nam

Bệnh nhân người Anh từ giường bệnh ở Việt Nam tâm sự: “Nếu tôi ở nơi nào khác trên hành tinh này thì tôi đã chết chắc rồi - sau 30 ngày tôi nằm liệt giường, họ có lẽ đã ngắt máy thở”.

Cameron là bệnh nhân COVID-19 cuối cùng phải điều trị trong phòng hồi sức cấp cứu ở Việt Nam. Đây là ca COVID-19 nặng nhất mà các bác sĩ tại Việt Nam gặp phải trong đợt bùng phát dịch.

Việt Nam, với dân số khoảng 95 triệu người, mới ghi nhận có vài trăm ca mắc COVID-19 được xác nhận, và chưa có trường hợp tử vong nào. Ca bệnh nặng của phi công Cameron cũng rất hiếm. Thế nên mỗi chi tiết nhỏ về sự hồi phục của anh đều được phản ánh trên báo đài của Việt Nam.

Stephen Cameron, 43 tuổi, được cả nước Việt Nam biết đến với tên hiệu là bệnh nhân số 91. Giới chức y tế địa phương gọi anh như vậy kể từ lúc anh đổ bệnh vào tháng 3/2020.

Cameron chia sẻ: “Tôi rất nể trọng tấm lòng của người Việt Nam dành cho tôi. Và tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã lăn xả vào để cứu sống tôi”.

Khi cơ hội sống sót chỉ còn 10%

Hàng chục chuyên gia hồi sức cấp cứu của Việt Nam đã thường xuyên họp trực tuyến để thảo luận tình trạng của phi công Cameron.

Trong phần lớn thời gian hôn mê 2 tháng rưỡi, Cameron phải dựa vào một chiếc máy ECMO để duy trì sự sống. Máy này, chỉ sử dụng trong các trường hợp cực nặng, sẽ rút máu từ cơ thể bệnh nhân, trộn oxy vào đó, rồi bơm trở lại bệnh nhân. Chi phí vận hành máy này dao động từ 5.000-10.000 USD một ngày.

Cameron kể: “May mắn cho tôi, tác dụng phụ kéo dài duy nhất là chân tôi vẫn còn chưa đứng vững được, nhưng mà tôi đang áp dụng vật lý trị liệu 2 lần một ngày… Có thời điểm, người bạn Craig của tôi được phía Bộ Ngoại giao Anh thông báo rằng tôi chỉ còn 10% cơ hội sống sót, nên anh ấy đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, khi tôi phải về quê trong cỗ quan tài”.

Kể từ khi tỉnh lại, Cameron đã có một số cuộc điện thoại đẫm nước mắt với bạn bè ở quê nhà, những người nghĩ rằng anh không thể quay trở về được nữa.

Các bác sĩ Việt Nam đã phải chiến đấu với nhiều biến chứng ở Cameron lúc anh trong trạng thái hôn mê. Máu của Cameron trở nên bết dính dẫn tới các cục máu đông. Anh bị suy thận nên các bác sĩ phải tiến hành thẩm tách máu. Chức năng phổi chỉ còn 10%.

Cameron cười: “Khi báo chí ở đây thông tin rằng tôi cần ghép phổi, đã có nhiều người dân đề nghị hiến phổi, bao gồm cả một cựu chiến binh Việt Nam 70 tuổi”.

Bác sĩ ở các bệnh viện Việt Nam tham gia teleconference thảo luận về tình trạng của “Bệnh nhân 91”. (Ảnh: Chính phủ Việt Nam)

Cụm lây bệnh ở quán bar Buddha

Cameron phát bệnh chỉ vài tuần sau khi tới Việt Nam vào đầu tháng 2/2020. Như nhiều phi công phương Tây, anh tới châu Á để tìm kiếm công việc có mức lương cao vào thời kỳ ngành hàng không khu vực bùng nổ.

Chỉ hai đêm trước khi anh điều khiển chuyến bay đầu tiên cho Vietnam Airlines, và đúng cái đêm trước khi hầu hết các quán bar bị đóng cửa ở TP.HCM để khống chế virus SARS-CoV-2, anh đi gặp một người bạn tại một quán bar ở một quận nhộn nhịp trong thành phố này.

Lúc đó, Việt Nam mới ghi nhận chưa tới 50 ca COVID-19 nhưng người dân ở đây “đã có sự cảnh giác đúng đắn trước con virus này”.

Lúc đó đang là kỳ nghỉ trước ngày Thánh Patrick nên quán Buddha đầy những người du lịch mặc đồ Ireland vào thời điểm Cameron tới đây (22h). “Tôi không uống gì cả, chủ yếu thu mình vào một góc, chơi vài ván bi-a rồi về nhà vào lúc 3h15 sáng” – Cameron nhớ lại.

Vào cái ngày sau chuyến bay đầu của Cameron, anh bị sốt. Mười hai người khác tại quán bar nói trên dương tính với COVID-19 trong các ngày tiếp theo.

Tình hình sức khỏe xấu đi nhanh chóng

Vào ngày 18/3, Cameron được nhập viện sau khi cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Giới chức Việt Nam nhanh chóng đóng cửa quán Buddha và cách ly tất cả những người trong tòa chung cư mà Cameron sinh sống. Tổng cộng 4.000 người có mối liên hệ với vụ bùng phát lây nhiễm ở quán Buddha đã được xét nghiệm.

Giáo sư Lương Ngọc Khuê – thuộc nhóm chuyên trách về COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, đồng thời là người tư vấn về việc điều trị cho Cameron, nhớ lại: “Sự suy giảm đáng lo ngại xảy ra với chức năng của không chỉ phổi, mà còn cả thận, gan, và dòng máu của bệnh nhân này”.

Tình  trạng cơ thể xấu đi, Cameron nhớ lại việc mình đã mạnh dạn quyết định được cho thở máy. “Tôi đã kiệt sức, không ngủ được”. Thế rồi anh bị hôn mê hàng tuần liền, còn các bác sĩ phải gồng mình để chữa trị cho anh. Cùng lúc đó, số lượng nhỏ các bệnh nhân phải thở máy ở Việt Nam đã hồi phục và được về nhà.

Các nhà chính trị hàng đầu của Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm sự sống cho Cameron. Bệnh viện nơi Cameron điều trị tạm thời tự lo hết mọi chi phí chăm sóc y tế cho anh, lúc này đã tăng vọt khủng khiếp.

Phi công bệnh nhân Cameron đang nỗ lực phục hồi chức năng đi lại. (Ảnh: Chính phủ Việt Nam)

Giáo sư Khuê khẳng định: “Chúng tôi tập trung điều trị bệnh nhân ở mức độ cao nhất, cả về phương tiện và nhân lực, dù đó là người Việt hay người nước ngoài”. Ông cũng vui mừng thông báo rằng “49 trong số 50 bệnh nhân người nước ngoài đã khỏi bệnh và được xuất viện”.

Thức dậy kỳ diệu và mong sớm được trở về Scotland

Khi Stephen Cameron lần đầu chạy máy thở vào đầu tháng 4, chỉ có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới. Khi Cameron thức dậy vào ngày 12/6, đã có hơn 7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Nhưng Việt Nam thì đã tránh được tình trạng tồi tệ nhất. Kể từ ngày 16/4, Việt Nam chưa ghi nhận được ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Tôi không bao giờ nghĩ mình lại hôn mê tới 10 tuần. Tôi còn nhớ lúc đó tôi được các bác sĩ rạch mở khí quản, được vận chuyển trên cáng có bánh xe qua các hành lang của bệnh viện, và rồi vài ngày sau đó là sự mê man, mờ mịt”, Cameron nói.

Nằm trên giường hồi phục trong phòng riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM, nơi Cameron được chuyển tới sau khi được gỡ bỏ máy thở và cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, anh cảm nhận rõ hậu quả của vài tháng liền bất động và ốm nặng. (Cameron trước đó được điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM).

Cameron đã sụt tới 20kg. Cơ của anh yếu đến mức phải khó nhọc lắm mới nâng được chân lên vài xăng-ti-met. Anh bị mệt mỏi nặng và khá u uất, cộng thêm tâm lý e sợ có thể bị trầm cảm hậu chấn thương.

Trong vài tuần qua, Cameron được nhiều bác sĩ, y tá, các nhà ngoại giao và quan chức chính quyền đến thăm ngay tại giường bệnh của anh. Gần đây nhất, phòng bệnh của anh đã được Tổng lãnh sự Anh và Chủ tịch UBND TP.HCM viếng thăm.

Tại một bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy, Cameron lo mình đang chiếm một giường bệnh mà một bệnh nhân nặng nào đó đang cần.

Hiện Cameron đã được bố trí một chỗ trong chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tới Liên hiệp Anh vào ngày 12/7 tới.

Trung Hiếu/VOV.VN

Tin mới