Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bên trong 'thành trì cuối cùng' cứu bệnh nhân COVID-19 thoát cửa tử

(VTC News) -

Với chiến lược "đánh chặn" từ xa, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - nơi được xem là "thành trì cuối cùng" đã kịp thời cứu chữa cho nhiều bệnh nhân nguy kịch thoát cửa tử.

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được thành lập ngày 15/7 với quy mô 1.000 giường, triển khai qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn hiện tại, bệnh viện xây dựng quy mô 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch và 300 cho giường bệnh nhân nặng, 651 nhân viên y tế chăm sóc. Bệnh viện được xem là chốt chặn cuối cùng trong công tác điều trị COVID-19 tại TP.HCM.

Với chiến lược "đánh chặn" từ xa và kết nối hệ thống hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Hồi sức COVID-19, hơn 100 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã hồi phục tích cực, những bệnh nhân nhẹ có chuyển biến nặng tại các bệnh viện dã chiến cũng được chữa trị kịp thời, ngăn chặn nguy cơ tử vong.

Chiến lược "đánh chặn" từ xa của bệnh viện là cử 4 bác sĩ chuyên hồi sức phân công cắm chốt tại 4 bệnh viện cấp 2 ở cửa ngõ gồm Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh. Nếu có F0 chuyển biến nặng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 sẽ hội chẩn online, đồng thời bác sĩ cắm chốt tại đây sẽ đánh giá tình hình để quyết định chuyển viện hay chờ theo dõi thêm.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, để đảm đương việc chăm sóc, điều trị sát sao tất cả bệnh nhân nặng và nguy kịch tại đây, nhân viên y tế hầu như làm việc xuyên suốt, không phân chia thời gian. Bởi bệnh nhân hồi sức cần nhiều nhân lực để chăm sóc hơn. "Nhân viên y tế tại đây gần như làm việc gấp 5 lần so với bình thường", BS Thức nói.

Hàng ngày lịch làm việc của nhân viên y tế tại đây chia làm 3 ca, 4 kíp. Ca sáng từ 7h tới 14h, ca chiều từ 14h đến 21h và ca đêm từ 21h tới 7h sáng hôm sau. Trước khi vào làm việc trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế buộc phải mang đồ bảo hộ cấp 4 (cấp cao nhất cho nhân viên y tế khu vực nguy hiểm).

Các nhân viên y tế tại đây cho biết, một tuần nay họ làm việc liên tục nhiều giờ liền, có khi chỉ ngủ 4 tiếng một ngày hoặc ít hơn nếu có những trường hợp khẩn cấp. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhận định, trong đợt dịch lần này ở TP.HCM, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng do biến chủng Delta lây lan nhanh và rộng trong cộng đồng. Hiện tại, số lượng bệnh nhân nặng chủ yếu trong nhóm 50 đến trên 60 tuổi.

Theo bác sĩ Linh, khó khăn hiện nay là lực lượng tham gia điều trị đang bị phân tán nhiều tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân không triệu chứng và biểu hiện nhẹ, do đó, lực lượng hồi sức không thể tập trung.

Để đáp ứng quy mô hoạt động của bệnh viện, Bộ Y tế đã điều động nhiều lực lượng từ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện đã trộn lẫn các lực lượng với nhau thành nhiều nhóm, chia thành 3 ca 4 kíp.

Hoàng Thọ

Tin mới