Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bên trong đấu trường mãnh thú độc nhất vô nhị còn tồn tại ở Việt Nam có gì?

(VTC News) -

Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Colosseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền.

Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có thông báo kết luận, yêu cầu các đơn vị liên quan và UBND thành phố Huế sớm thực hiện điều chỉnh quy hoạch Khu vực Thủy Biều kết hợp khai thác di tích Hổ Quyền – Voi Ré, để di tích này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, độc đáo đối với du khách trong nước và quốc tế.  Trong hình là bản phối cảnh di tích Hổ Quyền sau khi hoàn thành công tác bảo tồn. (Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế).

Cụm di tích Hổ Quyền – điện Voi Ré (phường Thủy Biều, thành phố Huế) là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo mang tầm thế giới. Các nhà nghiên cứu sử học từng ví von rằng: "Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền". Trong hình là di tích Hổ Quyền ở thời điểm chưa được trùng tu, tôn tạo. (Ảnh: NV)

 

Từ thời chúa Nguyễn vào Nam khai hoang lập ấp,  từng có các ghi chép về  những trận đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa voi và hổ là hai con vật tượng trưng cho sức mạnh của núi rừng. Những cuộc đấu như vậy được tổ chức không chỉ mang tính chất giải trí, mua vui cho vua quan và binh lính mà còn để huấn luyện nên những con voi thiện chiến phục vụ vào mục đích quân sự, thể hiện sức mạnh. (Ảnh: NV)

Sử cũ chép lại, năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào đặt trấn dinh tại Ái Tử (nay là tỉnh Quảng Trị) đã mở “đấu trường”. Hơn 20 con voi chiến có quản tượng điều khiển giao chiến với 7 con hổ dữ được cắt móng chân, bẻ nanh có dây trói ở cổ. Dù bị bẻ nanh, cắt móng, nhưng những con hổ vẫn hùng hổ, xông vào bầy voi. Voi đưa vòi chống trả, giày xéo đàn hổ. Quản tượng dùng gậy điều khiển voi tấn công theo từng đội hình chiến đấu được vạch sẵn. (Ảnh: Tư Liệu).

Trong một lần tổ chức đấu trường giữa hổ và voi thì vua Minh Mạng suýt bị một con hổ đang tham gia trận đấu tấn công. Đây cũng là lý do mà năm 1830, vua Minh Mạng cho xây Hổ Quyền để làm đấu trường sinh tử giữa hai loài động vật là voi và hổ. 

Hổ Quyền là một công trình được xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Vòng thành trong cao 5,9m; vòng thành ngoài cao 4,75m, nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. 

Chu vi tường ngoài 145m, đường kính lòng chảo Hổ Quyền là 44m với thiết kế vững chắc để đảm bảo an toàn cho mọi người khi xem các trận đấu. Khán đài nơi vua ngồi được đặt ở phía Bắc và được xây cao hơn các vị trí xung quanh và có một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên với 24 bậc dành cho vua quan và quốc thích đại thần. Bên phải là hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan và binh lính. (Ảnh: LC).

Xét về cấu trúc, Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã khi có hình vành khăn nằm lộ thiên với hai vòng tường thành trong và ngoài. Các nhà nghiên cứu văn hoá Huế nhận định, xét về mặt nghệ thuật kiến trúc, đấu trường Hổ Quyền không có nhiều điểm nổi bật nhưng về giá trị văn hóa lịch sử thì đây là công trình có một không hai của một triều đại mà không nơi nào có được. (Ảnh: LC).

Sau khi được trùng tu, bảo tồn thì di tích Hổ Quyền - Voi Ré đang khoác lên mình một diện mạo tươi sáng hơn. (Ảnh: V.N)

Những vị trí bị đổ vỡ hư hỏng do thời gian được tu bổ, bảo tồn. (Ảnh: V.N)

Một hoạ tiết trên di tích Hổ Quyền sau khi được tu bổ lại. 

Bên trong chuồng nuôi nhốt hổ nhìn ra khu vực sân đấu. 

Bên trong đấu trường Hổ Quyền với những cửa chuồng từng là nơi nuôi nhốt hổ. 

Sau khi có chuyến kiểm tra thực tế và nghe báo cáo đề xuất của UBND thành phố Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án chỉnh trang đến khoanh vùng 2 bảo vệ di tích; trước mắt, ưu tiên khẩn trương tổ chức giải tỏa nhà dân nằm tiếp giáp vị trí Hổ Quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế giao UBND TP Huế phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành và chỉnh trang khu vực trước Festival. Bên cạnh đó, có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách.

Đối với tuyến đường vào di tích hướng chính là đường Bùi Thị Xuân có quy mô mặt cắt đường đảm bảo đủ 02 làn xe, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất mở không gian kết nối từ đường Huyền Trân Công chúa đến di tích nhằm phục vụ nhu cầu bãi đổ xe, các dịch vụ phụ trợ đi kèm và dành quỹ đất tái định cư cho phạm vi dự án giải phóng mặt bằng.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu đường vào Hổ Quyền – Voi Ré phải là đường đi bộ, có khoảng cách các bãi đổ xe vào cụm di tích khoảng 300-400m, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như tham quan của du khách.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới