Video: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin về tiến độ cứu hộ bé trai
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, từ đêm qua đến sáng nay các đơn vị thi công đã tập trung các biện pháp kỹ thuật đặt ống có chiều cao khoảng 14m sâu xuống lòng đất bao quanh trụ bê tông mà bé trai gặp nạn.
“Sau khi đặt thì tiếp tục thực hiện khoan guồng xoắn, làm tơi đất, giảm áp lực ma sát trực tiếp vào thành ống đến khi thấy đủ điều kiện sẽ dùng thiết bị cẩu công suất lớn để rút cái ống này lên khỏi mặt đất và tiếp tục thực hiện các biện pháp tiếp theo.
Sau khi rút ống lên sẽ có các đơn vị công binh của Quân khu 9 trực sẵn, thực hiện các biện pháp nội soi, thăm dò để xem em bé ở phần nào trong ống sau đó thực hiện các biện pháp cưa cắt chuyện dụng để cứu hộ em bé. Đây là các biện pháp kỹ thuật xuyên suốt có các phối hợp giữa đơn vị thi công tại hiện trường lẫn đơn vị trực chờ sẵn tại đây”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.
Lực lượng cứu hộ dùng mũi khoan guồng xoắn để làm tơi đất.
Trước đó, tối 2/1, đơn vị thi công hàn các đoạn ống có đường kính 1,5m.
Đến 3h ngày 3/1, lực lượng cứu hộ đóng ống bao bọc xung quanh trụ bê tông có bé trai mắc kẹt. Đến 6h30, ống được đóng sâu 14m.
Khoảng 8h cùng ngày, lực lượng cứu hộ dùng mũi khoan guồng xoắn để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát vào thành ống bê tông. Tiếp tục dùng biện pháp này cho đến thời điểm thích hợp sẽ dùng cẩu đưa ống bê tông lên mặt đất.
Như VTC News đưa tin, khoảng 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m).
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.