Bố mẹ của em, anh Louis Honca (32 tuổi) và chị Emma Tomlinson (37 tuổi) cho biết, họ phát hiện con gái mình có dấu hiệu bất thường khi đang mang thai ở tuần thứ 20. Trong một lần siêu âm tại bệnh viện vào tháng 1/2019, chị Emma được thông báo con mình có dấu hiệu gãy xương đùi.
“Lúc đó, biểu hiện trên khuôn mặt của bác sĩ siêu âm tỏ ra khá lo lắng. Họ nói với tôi rằng Mya mắc bệnh giòn xương nên chân bị cong và xương đùi cũng gãy. Họ yêu cầu tôi làm một số thử nghiệm xâm lấn nhưng tôi từ chối bởi có nguy cơ bị sảy thai. Tôi vẫn muốn sinh con. Điều quan trọng nhất là liệu Mya có sống sót hay căn bệnh sẽ giết chết con bé ngay từ trong bụng mẹ hay không”, chị Emma nói.
Cô bé Mya cùng bố mẹ.
Theo các bác sĩ, quyết định giữ con của Emma sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, hai vợ chồng chị vấn quyết tâm sinh con.
Chị Emma cho biết thêm, để kiểm tra kĩ hơn về tình trạng bệnh của con mình, chị và chồng có đi thăm khám thêm tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Hull Royal, Bệnh viện Nhi đồng Sheffield và Bệnh viện đa khoa thành phố Leeds. Nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi, mọi kết luận đều khẳng định: Cô bé Mya mắc bệnh giòn xương.
Để duy trì thai nhi, chị Emma được kê một số loại thuốc nhằm tăng cường sức khỏe của đứa trẻ trong bụng.
Ngày 13/5 cô bé Mya chào đời bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Hull Royal. Tuy nhiên, do căn bệnh giòn xương, ngay sau khi sinh, cô bé tiếp tục được chuyển đến khoa Sơ sinh của bệnh viện để điều trị và chăm sóc đặc biệt.
“Tôi không thể gặp con khoảng 9 giờ đồng hồ sau sinh. Họ nói Mya cần kiểm tra và quét toàn bộ cơ thể để đảm bảo an toàn. May mắn là chỉ sau 1 tuần, mọi thứ đã ổn, con bé được về nhà. Trước khi ra viện, bác sĩ có dặn tôi về cách chăm sóc trẻ mắc bệnh giòn xương. Tuy khá vất vả nhưng cả 2 vợ chồng tôi đều thấy hạnh phúc vì Mya được sống. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn luôn bên con và cùng con vượt qua mọi khó khăn”, chị Emma chia sẻ.
Mya cùng bố mẹ và 2 anh trai.
Theo các bác sĩ, bệnh giòn xương là một căn bệnh hiếm, người mắc bệnh có kết cấu xương đặc biệt hơn người thường rất nhiều. Đôi khi chỉ cần một tác động nhỏ cũng khiến xương của họ bị gãy.
Với trường hợp của Mya, do còn quá nhỏ, cấu trúc xương chưa phát triển hết, nên thậm chí hắt hơi quá mạnh cũng làm xương của cố bé bị gãy. Để đảm bảo sức khỏe, Mya vẫn sẽ tiếp tục phải truyền dịch tủy xương trong thời gian tới.