Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bé gái 6 tháng tuổi suýt chết vì virus EV71

(VTC News) -

Bé gái 6 tháng tuổi nguy kịch do virus EV71 đã được các bác sĩ truyền huyết thanh, lọc máu giải độc.

Ngày 13/4, bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi từ Đồng Tháp chuyển đến bị trở nặng, mạch nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút (bình thường 120-140 nhịp mỗi phút), bứt rứt, lơ mơ. Trước đó, bé sốt cao kèm nôn ói liên tục bốn ngày, khám nhiều nơi không ra bệnh.

Khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện có một nốt ban nhỏ màu hồng trên ngón chân bé. Bệnh nhi có dấu hiệu trào bọt hồng, huyết áp cao, phù phổi... được nhanh chóng cho thở máy. Xét nghiệm cho kết quả có virus EV71, một chủng dễ chuyển nặng và gây viêm não của bệnh tay chân miệng.

Các bác sĩ đã truyền huyết thanh, lọc máu giải độc... để giảm gánh nặng cho trái tim bé đang bị tổn thương vì làm việc quá sức. May mắn, bé gái đáp ứng điều trị tốt. Sau hai ngày, bé tỉnh táo dần và tiếp tục được theo dõi.

Bé tỉnh táo dần và tiếp tục được theo dõi sát tiến trình hồi phục. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)

Bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm, số lượng bệnh nhi điều trị nội trú ở TP.HCM tăng lên từng ngày. Riêng hôm nay (13/4), khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 40 trẻ tay chân miệng nhiều cấp độ. Trong đó, nhiều bé bị biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch...

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Các bé có thể bị loét miệng với các vết loét đỏ hay phỏng nước, đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông trẻ sẽ xuất hiện các phát ban dạng phỏng nước. Chúng tồn tại trong thời gian ngắn, dưới 7 ngày, sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Trẻ mắc tay chân miệng nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, khi có dấu hiệu trở nặng thì phải đưa đến bệnh viện ngay. Thông thường, bệnh sẽ bớt và trẻ hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn... Thậm chí trẻ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

MAI THÚY

Tin mới