Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh viện ở TP.HCM thiếu thuốc chủ lực chữa bệnh tay chân miệng

Nhiều bệnh viện đã cạn kiệt thuốc Phenobarbital - vũ khí hàng đầu trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết Phenobarbital là thuốc điều trị các cơn co giật ở người lớn và trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Thuốc có hai dạng là viên uống và dung dịch tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Phenobarbital thuộc phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế và nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả.

Với trẻ em, có một số loại thuốc chống co giật khác tốt hơn. Song với ưu điểm vượt trội là an toàn, hiếm khi gây tác dụng phụ ngưng thở, hiệu quả kéo dài, Phenobarbital trở thành "kinh điển" đối với các bệnh có co giật ở trẻ như tay chân miệng, viêm màng não, động kinh, rối loạn tiêu hóa, tăng - hạ canxi máu...

Thuốc Phenobarbital dạng dung dịch dùng để điều trị co giật ở trẻ bị tay chân miệng. (Ảnh: Eu-doctor)

TP.HCM đang vào mùa tay chân miệng. Tại Bệnh viện Nhi đồng I, mỗi ngày có trung bình 30 trẻ điều trị tay chân miệng nội trú, trong đó luôn có hai đến ba trẻ bị nặng độ 2B, độ 3. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh lo lắng tháng 10 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên, điều khiến ông đau đầu nhất là bệnh viện đã không còn Phenobarbital.

"Lô thuốc Phenobarbital cuối cùng đã hết hạn ngày 27/9. Chúng tôi chưa có nguồn thuốc mới", bác sĩ Khanh nói.

Ông cho biết, từ ba tháng trước, bệnh viện đã báo cáo vấn đề này đến Bộ Y tế nhưng "không ai nói gì". Để khắc phục tình trạng trên, bệnh viện quyết định dùng một loại thuốc chống co giật khác thay thế cho Phenobarbital hoặc cho trẻ thở máy. Vì mất đi "con át chủ bài", bệnh nhi tay chân miệng phải đối mặt với nguy cơ dễ suy hô hấp hơn do thuốc thay thế có tác dụng phụ làm ngưng thở. Thêm vào đó, nguy cơ biến chứng sang giai đoạn nặng hơn, điều trị cũng khó khăn và tốn kém hơn.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hiện điều trị khoảng 40 ca nội trú, 60-80 ca ngoại trú bệnh tay chân miệng mỗi ngày. Bệnh có xu hướng tăng so với vài tuần trước đó, bác sĩ Tiến thông tin. Trong kho bệnh viện, thuốc Phenobarbital không còn nhiều. Đơn vị đang chờ phản hồi từ Bộ Y tế để được nhập lô thuốc mới dự trữ kịp thời.

"Chúng tôi chỉ đủ thuốc Phenobarbital dùng dè sẻn đến cuối năm", bác sĩ Tiến ước chừng.

Bác sĩ Tiến chia sẻ, người lớn có nhiều loại thuốc tương tự để thay thế Phenobarbital khi điều trị co giật. Nhưng trẻ thì không thể dùng thuốc dành cho người trưởng thành. Do đó, bệnh viện ưu tiên Phenobarbital cho nhóm trẻ sơ sinh. Bác sĩ Tiến khẳng định Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẵn sàng chia sẻ Phenobarbital với các bệnh viện bạn để cứu chữa các ca nặng; đồng thời nên xây dựng các chỉ định để sử dụng thuốc đúng và trúng, tránh lãng phí khi nguồn thuốc đã cạn kiệt.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HDCD), tay chân miệng dễ lây lan nhất ở nhóm trẻ em. Khi trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, là thời điểm bệnh có thể bùng phát. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 6.358 ca tay chân miệng, riêng tuần qua lên đến 640 ca, cao nhất tính theo tuần. HCDC cảnh báo tình trạng đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng.

Bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên HCDC khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh cho trẻ bằng ba sạch: ăn uống sạch - ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, miệng) cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cha mẹ cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.

Nguồn: VnExpress

Tin mới