Thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi bị chó cắn tổn thương nghiêm trọng ở vùng mặt và đầu.
Bé trai Y.T.B. (hơn 2 tuổi), ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy nhập viện cấp trong tình trạng sốc mất máu nhiều, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt.
Tình hình sức khỏe của cháu B. đã ổn định. (Ảnh CTV)
Bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi. Sau 11 ngày điều trị, hiện các vết thương đã khô, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định.
Người nhà bệnh nhi cho biết, hôm xảy ra sự việc, bé B. đang chơi gần nhà bị một con chó tấn công. Phát hiện sự việc, gia đình đưa bé B. đến Bệnh viện huyện Cẩm Thủy sơ cứu. Do vết thương quá nặng, cháu bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi để cấp cứu.
Thạc sỹ Lê Văn Trường, Phó Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, hàng năm khoa Ngoại Chấn thương tiếp nhận hàng chục bệnh nhân liên quan đến chó cắn với nhiều vị trí và mức độ khác nhau, nhưng chủ yếu gặp tổn thương vùng đầu mặt.
Khi bị chó cắn, tùy theo tình trạng vết thương mà có cách xử lý khác nhau. Nếu vết thương nông, nhỏ, chảy máu ít thì gia đình cần rửa sạch vết thương với xà phòng nhiều lần. Sau đó đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị vết thương. Nếu vết thương rộng, chảy máu nhiều gia đình cần băng bó vết thương cầm máu và chuyển ngay đến cơ sở y tế để điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu nhà có trẻ em, gia đình không nên nuôi chó hoặc nếu nuôi phải nuôi nhốt. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải thường xuyên để ý, quan sát và không cho chó tiếp xúc với trẻ, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.