Rau mùi (ngò rí) là một loại rau thơm quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, thường dùng để ăn sống với rau xà lách, kẹp với bánh mì hoặc cho vào các món xào để tăng mùi hương.
Rau mùi là loại rau thơm được dùng phổ biến ở nước ta. (Ảnh minh họa)
Không giống với người Việt, rất nhiều người Hàn Quốc lại không thích loại rau có mùi hăng nồng đặc trưng này. Họ cho rằng, mùi hương của rau mùi làm át đi hương vị gốc của món ăn, khiến họ cảm thấy không ngon miệng.
Vì thế không ít du khách từ Hàn Quốc phải yêu cầu chủ quán không bỏ thêm rau mùi khi đi ăn phở hay bánh mì Việt Nam. Thậm chí, nhiều du khách Hàn cho biết, "đừng bỏ rau mùi cho tôi" còn trở thành câu tiếng Việt phổ biến mà hầu hết người Hàn đều học thuộc trước khi du lịch sang nước ta.
Nhiều người Hàn Quốc không thích rau mùi. (Ảnh minh họa)
Nhiều du khách yêu cầu loại bỏ loại rau này khi ăn phở hay bánh mì Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, dạo gần đây, ngày càng có nhiều người Hàn hứng thú với loại rau thơm này. Nhưng thay vì ăn sống, họ đã chế biến thành 2 món ăn khá lạ miệng, đó là rau mùi tẩm bột chiên giòn và rau mùi ngâm tương.
Về cách chế biến đầu tiên, công thức có vẻ giống với món bánh hẹ hay bánh hành chiên giòn của Hàn Quốc. Rau mùi sau khi rửa sạch được trộn với bột pha sền sệt, sau đó chiên giòn với dầu nóng. Mùi thơm của bột mì sau khi chiên phần nào át đi mùi hăng của rau mùi, giúp người Hàn cảm thấy dễ ăn hơn. Món này thường được chấm với tương ớt để tăng độ ngon.
Rau mùi được trộn với bột mỳ. (Ảnh: Thông tin Hàn Quốc)
Người Hàn cũng thường cho thêm bí ngòi trước khi đem chiên. (Ảnh: Thông tin Hàn Quốc)
Sau đó, họ đem đi chiên giòn. (Ảnh: Thông tin Hàn Quốc)
Bánh rau mùi chiên giòn. (Ảnh: Thông tin Hàn Quốc)
Rau mùi ngâm tương thì cầu kỳ và tốn thời gian hơn. Người Hàn sẽ chuẩn bị hỗn hợp gồm nước xì dầu, dấm, ớt bột, đường, muối, mè rang và đem đi đun sôi. Sau đó, rau mùi được sơ chế sạch sẽ và ngâm trong hỗn hợp này khoảng 2 - 3 ngày. Đến khi rau ngấm đều gia vị, người Hàn sẽ ăn cùng với cơm hoặc cuốn cùng thịt nướng.
Rau mùi được ngâm với tương để làm thành món ăn kèm. (Ảnh minh họa)
Món này thường được ăn cùng với cơm và thịt nướng. (Ảnh minh họa)