Hiếm có món ăn nào được chế biến thành nhiều kiểu như bánh canh, cũng hiếm thấy nơi nào hội tụ đủ hết những phiên bản như ở Sài Gòn. Cùng điểm lại 10 kiểu bánh canh xuất sắc rất được lòng hội mê ăn uống nhé.
Bánh canh thập cẩm ở Sài Gòn thường có nước dùng sền sệt, sóng sánh. Topping ăn kèm vô cùng đa dạng gồm thịt cua, tôm, chả, huyết, mọc, trứng cút,... (Ảnh minh họa)
Bánh canh cua là một trong những phiên bản đắt đỏ nhất ở Sài Gòn bởi thực khách sẽ được phục vụ hẳn một con cua nguyên vẹn, ngoài ra còn có thêm da heo, huyết, một vài loại hải sản ăn kèm. (Ảnh minh họa)
Nước dùng của bánh canh mực thì có phần trong và ngọt thanh hơn các loại khác. Khi ăn, thực khách nên rắc thêm một ít tiêu để làm dậy nên mùi hương của hải sản và ăn kèm với nước mắm ớt. (Ảnh minh họa)
Đã có bánh canh mực thì không thể thiếu "người anh em" bánh canh bạch tuộc. Phiên bản này có màu sắc bắt mắt hơn, phần râu bạch tuộc mập mạp, giòn giòn sần sật vô cùng hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Bánh canh giò heo thiên về vị ngọt đậm đà của nước dùng được ninh từ xương và vị béo của thịt chân giò. Để thêm đậm đà, thực khách nên cho thêm ít ớt tươi xắt lát, hành phi và ăn kèm với quẩy. (Ảnh minh họa)
Bánh canh chả cá là đặc sản nổi tiếng của Nha Trang cũng sớm có mặt ở Sài Gòn. Không nhiều topping như những phiên bản khác, món này chỉ được ăn kèm với chả cá chiên có mùi thơm rất hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Bánh canh hẹ của Phú Yên lại khiến người ta mê mẩn với những khúc cá béo ngậy, chả cá dai dai và không thể thiếu hẹ - điểm nhấn đặc biệt của món ăn này. (Ảnh minh họa)
Với phần nước dùng được chế biến công phu từ nước cốt dừa, phiên bản này có vị đậm đà và béo ngậy nhưng không gây cảm giác ngấy. Tô bánh canh đơn giản chỉ gồm sợi bánh, tôm và vài lát rau mùi điểm tô nhưng lại làm nên một món ăn rất đặc sắc. (Ảnh minh họa)
Bánh canh vịt của miền Tây gây ấn tượng với phần sợi bánh trắng đục, nước dùng có vị khá độc đáo, khác lạ do được ăn cùng với thịt vịt. Tuy vậy, một khi đã nếm thử, bạn sẽ thích ngay những miếng thịt mềm, thấm gia vị còn bánh canh thì dai ngon không bị nát. (Ảnh: @thanh.phat.le)
Đây là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây với thành phần chính là sợi bánh, nước cốt dừa và đậu xanh. Nước dùng ngoài vị béo của dừa còn có vị ngọt thơm từ đường thốt nốt. Ngoài những thành phần chính, chủ quán còn rắc thêm mè trắng cho thơm. Món này thường được ăn như món tráng miệng. (Ảnh minh họa)