Từ hộp sọ được phát hiện ở Thung lũng của các vị vua ở Ai Cập cách đây gần 100 năm, các nhà khoa học tìm cách phục dựng hình dáng của Pharaoh Akhenaten - người trị vì từ năm 1353 tới 1335 TCN.
Akhenaten kết hôn với một trong những chị gái của mình. Cả hai có hai người con trai là vua Tutankhamun. Tuy nhiên, do quan hệ cận huyết của bố mẹ, nên Tutankhamen được sinh ra trong thể trạng yếu. Đây là nguyên nhân khiến vị vua này chết trẻ.
Hình ảnh phục dựng gương mặt của Pharaoh Akhenaten. (Ảnh: FAPAB)
Quá trình phục dựng của pharaoh Akhenaten do nhóm các nhà khoa học tới từ Trung tâm nghiên cứu nhân chủng học pháp y, cổ sinh học (FAPAB) ở Sicily thực hiện.
Xác ướp được gọi là KV 55, được tìm thấy trong ngôi mộ chỉ cách nơi vua Tutankhamen an nghỉ vài bước chân. Điều này khiến các nhà khoa học tin rằng đó có thể là cha của vị vua này.
Phân tích DNA sau này cũng cho thấy bộ xương là Pharaoh Akhenaten. Tuy nhiên, một số chuyên gia phủ nhận khẳng định này.
Quá trình tái tạo khuôn mặt mất nhiều tháng để hoàn thành. Nhưng không giống như những hình ảnh trước đó của KV 55, nhóm nghiên cứu lược bỏ tóc, đồ trang sức cùng nhiều vật dụng khác và chỉ tập trung vào các đặc điểm trên khuôn mặt của người này.
Các nhà khoa học sử dụng một quy trình gọi là phương pháp Manchester, trong đó xem xét cả độ dày của các mô mềm và cơ mặt khi tái tạo khuôn mặt. Hình dạng và kích thước của các cơ khác nhau được xác định trên cơ sở các mô cứng bên dưới.
"Cơ mặt và dây chằng được mô phỏng trên mô hình hộp sọ theo các quy tắc của giải phẫu học. Lớp da được đặt lên trên cùng và độ dày mô là giá trị trung bình xác định qua thuật toán khoa học", Francesco Galassi, giám đốc và đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu FAPAB cho hay.
'Việc tái tạo khuôn mặt này làm sống lại một trong những xác ướp gây tranh cãi và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới", nhóm nghiên cứu cho biết.
Không chỉ xác ướp gây tranh cãi, bản thân Akhenaten cũng bị bủa vây bởi tranh cãi khi ông cai trị Ai Cập.
Khi Akhenaten lên nắm quyền, ông từ bỏ truyền thống thờ nhiều vị thần của Ai Cập để chuyển sang thuyết độc thần và chỉ bày tỏ lòng tôn kính vị thần duy nhất - thần Mặt Trời Aten. Sự thay đổi này không được chấp nhận rộng rãi ở Ai Cập cổ đại bởi nền văn hóa nơi này khi đó tôn sùng nhiều vị thần.
Khi Akhenaten qua đời, tên của ông bị xóa khỏi danh sách những người cai trị. Tới khi Tutankhamen lên ngôi, thuyết đa thần được tái lập. Tutankhamen bắt đầu trị vì khi lên tám tuổi và cai trị trong khoảng chín năm. Ông chết vào khoảng năm 26 tuổi.