Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bất ngờ: Một quốc gia Nam Á sắp sở hữu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5

(VTC News) -

Chiến đấu cơ tàng hình FC-31 của Trung Quốc được xem là lựa chọn phù hợp của Pakistan, liệu chiếc máy bay này có thể giúp tăng sức mạnh cho quốc gia Nam Á này.

Theo Military Watch, Tư lệnh Không quân Pakistan, Nguyên soái Zaheer Sidhu đã thông báo rằng nước này đang chuẩn bị đặt hàng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FC-31 của Trung Quốc. Cơ quan này sau đó đã thông báo: “Vấn đề mua máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 đã được thảo luận, việc sở hữu máy bay chỉ còn là thời gian”.

Thông báo này được đưa ra sau khi nước này nhận được máy bay chiến đấu J-10C đầu tiên từ Trung Quốc. J-10C hiện được coi là loại chiến đấu cơ có năng lực nhất trong biên chế của không quân Pakistan, cùng với những chiếc JF-17 Block III có hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến cũng được mua từ Trung Quốc.

Cả JF-17 và J-10C đều là máy bay chiến đấu thế hệ 4+ một động cơ hạng nhẹ, nhưng chúng cũng được hưởng lợi từ hệ thống điện tử hàng không và vũ khí thế hệ thứ năm, tuy nhiên vẫn không thể so sánh với những khả năng của FC-31.

Chiến đấu cơ J-10C của Pakistan.

FC-31 cho Pakistan

FC-31 được xem là chiếc máy bay mang tính cách mạng cho lực lượng không quân Pakistan, đây là chiếc máy bay tàng hình có tầm bay xa hàng đầu thế giới hiện nay.

Hiện tại, Pakistan chỉ trang bị máy bay chiến đấu hạng nhẹ như J-10C và những chiếc F-16 cũ hơn, ngoài ra còn có một số ít máy bay Mirage III, Mirage 5, J-7 và JF-17. Những chiếc máy bay này có trọng lượng cất cánh và tải trọng chiến đấu tiêu chuẩn chỉ khoảng 8000-9000kg. Trong khi đó, FC-31 có tải trọng gấp ba lần những chiếc máy bay trên.

Lực lượng không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nhận bàn giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên vào năm 2016, đó là những chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng J-20 và những chiến đấu cơ này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2017.

Tốc độ sản xuất và bàn giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với khoảng 100 khung máy bay mỗi năm, số lượng này gấp đôi những chiếc máy bay cùng thế hệ của Nga và Mỹ. Cụ thể, lực lượng không quân Mỹ dự kiến ​​sẽ nhận 48 chiếc F-35 vào năm 2024, sau khi không đạt được mục tiêu này vào năm 2023.

Khả năng chiến đấu của J-20 đã được cải thiện liên tục kể từ khi chiếc máy bay này được đưa vào sử dụng, nhiều công nghệ mới có trên J-20 dự kiến cũng ​​sẽ được áp dụng và mang lại lợi thế đáng kể cho các đơn vị máy bay chiến đấu FC-31 được bán ra nước ngoài.

Máy bay chiến đấu FC-31 của Trung Quốc.

Thật vậy, các nguyên mẫu FC-31 mới nhất được hưởng lợi từ nhiều cải tiến về thiết kế tương tự như trên các lô J-20 mới sản xuất gần đây, bao gồm cả những thay đổi về hình dạng bên ngoài để cải thiện khả năng tàng hình.

Các công nghệ quan trọng của FC-31 được thừa hưởng từ J-20 như hệ thống khẩu độ phân tán giúp nâng cao đáng kể khả năng nhận biết tình huống, lớp phủ tàng hình thế hệ mới và liên kết dữ liệu tiên tiến cho phép thực hiện các hoạt động tập trung vào mạng ở mức độ tiên tiến nhất.

Tác động của FC-31

Mặc dù vẫn chưa có nhiều thông tin về FC-31, nhưng chiếc máy bay này được đánh giá là loại chiến đấu cơ được xuất khẩu có năng lực chiến đấu hàng đầu thế giới hiện nay, cùng với Su-57 của Nga. 

Trong khi J-10C và JF-17 góp phần nâng cao hiệu quả khả năng tác chiến trên không của Pakistan, thì FC-31 được kỳ vọng sẽ mang lại cho các đơn vị không quân chiến đấu của nước này những lợi thế khác biệt so với các quốc gia láng giềng như Iran và Ấn Độ.

Hiện tại, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Israel đã đặt mua F-35, cùng với Trung Quốc và Nga là những quốc gia có khả năng sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, thì việc Pakistan mua FC-31 sẽ đưa nước này trở thành quốc gia thứ bảy ngoài thế giới phương Tây trang bị máy bay chiến đấu thế hệ cao nhất hiện nay.

Việc mua FC-31 dự kiến ​​sẽ buộc không quân Pakistan phải giảm số lượng những loại chiến đấu cơ khác trong biên chế hiện tại, hoặc tăng đáng kể ngân sách cho các hoạt động của máy bay chiến đấu mới, bao gồm chi phí vận hành cho đến nhu cầu bảo dưỡng và công tác đào tạo, huấn luyện.

Mặc dù số lượng máy bay FC-31 được mua vẫn chưa chắc chắn, nhưng dù chỉ có một phi đội FC-31 cũng được xem là nhân tố thay đổi “cuộc chơi” đối với năng lực không quân của Pakistan.

Chiến đấu cơ Su-57.

Việc mua FC-31 diễn ra trong bối cảnh nước láng giềng Ấn Độ đang xem xét mua máy bay chiến đấu Su-57 của Nga với tư cách là một hợp đồng sản xuất có giấy phép, tương tự như hợp đồng đã được kí kết trước đó của dòng chiến đấu cơ thế hệ tiền nhiệm Su-30.

Việc xem xét mua Su-57 của Ấn Độ diễn ra sau khi quốc gia này mua 5 hệ thống phòng không S-400 của Nga, hệ thống này có khả năng bắn hạ các loại chiến đấu cơ của Pakistan ở phạm vi rất xa.

Nếu thương vụ FC-31 thành công, điều này cũng sẽ mang lại sự thay đổi về năng lực tổng thể và vị thế quốc tế của không quân Pakistan, đồng thời có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của những quốc gia khác đối với FC-31, dựa trên uy tín mà các chương trình như J-20 đã giành được trong lĩnh vực hàng không chiến đấu của Trung Quốc.

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Tin mới