Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt 73,9%, 88% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung...
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá BĐSCN đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Thị trường này đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Bất động sản công nghiệp đang hút nhà đầu tư.
Trong xu thế hiện nay, thị trường bất động sản được hưởng lợi từ nhiều yếu tố từ bối cảnh cho đến chính sách. Do đó, phân khúc BĐSCN Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.
"Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phân khúc này có đà phát triển tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bất động sản công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng", ông Nam phân tích.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khẳng định sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...
Tuy nhiên, sự phát triển của BĐSCN Việt Nam còn nhiều bất cập. Đơn cử như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của khu công nghiệp, khu kinh tế vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cùng đó, định hướng chính sách của Nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển.
Trên thực tế, sự phát triển của thị trường BĐSCN Việt Nam không phải "mười phân vẹn mười" mà căn cứ vào từng khu vực. Các chuyên gia cho rằng địa phương nào "trải thảm đỏ" và tạo nhiều cơ chế chính sách ưu đãi thì sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Chia sẻ về những kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư phát triển BĐSCN, ông Trương Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho hay ngoài một số cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích, tỉnh thường xuyên duy trì đối thoại với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động. Nhờ đó, các dự án hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Theo ông Huy, Hà Nam hiện có 7/8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đã thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động rất hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Những năm gần đây, Hà Nam là một trong những tỉnh xếp trong top 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Hà Nam cũng là một trong những tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép hình thành và phát triển khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản với diện tích trên 300 ha tại Khu Công nghiệp Đồng Văn III.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó tạo đà cho BĐSCN bứt phá, chính quyền và địa phương cần đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý nhà nước. Tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, trong xu hướng phát triển không ngừng của logistics/công nghiệp.