Hải cảnh Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố sẽ “theo dõi” để “đảm bảo thực thi” lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè bắt đầu từ 1/5. Theo Tân Hoa xã, lệnh cấm đánh bắt cá này bắt đầu có hiệu lực từ 1/5 và "hành động thực thi" sẽ kéo dài đến 16/9, áp dụng tại khu vực biển Bột Hải, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía Bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông. Phạm vi này bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, đầu tháng 2/2021, Luật Hải cảnh của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm. Từ những ngày đầu khi chỉ là dự thảo cho tới lúc được thông qua, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều nước.
Quảng Ngãi có hàng nghìn tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó nhiều phương tiện chuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa.
Tại Việt Nam, bất chấp những mối đe dọa đến từ Luật Hải cảnh, hay lệnh cấm phi pháp, ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm khai thác hải sản ở Hoàng Sa - ngư trường truyền thống tự bao đời.
Kiên cường bám biển, bám đảo
Giữa tháng 4 vừa qua, chủ tàu kiêm thuyền trưởng phương tiện QNg 90779 Võ Lâm, 42 tuổi, làng Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cùng 3 thuyền viên của mình xuất bến tại cảng Sa Kỳ. Đích đến của chuyến vươn khơi dự kiến kéo dài hơn 1 tháng vẫn là ngư trường Hoàng Sa - nơi ông và bạn thuyền từng hứng chịu màn cướp bóc trắng trợn của tàu Trung Quốc.
Tầm 18h ngày 16/3, 4 ngư dân trên tàu QNg 90779 neo vào ngơi nghỉ ở khu vực cách đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 7 hải lý.
Đang chợp mắt, bất giác nghe tiếng sóng vỗ dập dồn, cả bốn ngư dân nhìn theo hướng mũi tàu thì phát hiện tàu sắt treo cờ Trung Quốc đang lăm le tiến về phía mình. Khi khoảng cách giữa hai tàu chừng độ 100 mét, những kẻ lạ mặt bắt đầu thả chiếc cano lớn từ trên tàu sắt xuống và di chuyển áp sát tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Không nói không rằng, chỉ trong cái nháy mắt, bọn chúng dùng dao cắt phăng sợi dây đang neo chiếc cano nhỏ vào sát hông tàu cá. Cứ thế, chúng ngang nhiên cướp chiếc cano chứa toàn bộ ngư cụ rồi vận chuyển lên tàu sắt trong sự bất lực của 4 ngư dân.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm ở Hoàng Sa hồi năm ngoái. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Việc Trung Quốc áp dụng Luật Hải cảnh mới đối với vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền như đường lưỡi bò là hoàn toàn sai. Nếu họ dùng vũ khí tấn công ngư dân thì quá vô lý.
Ông Phan Huy Hoàng
Toàn bộ ngư cụ bị cướp sạch, chuyến vươn khơi dự trù kéo dài nguyên một tháng đành khép lại sớm hơn dự kiến. Bốn ngư dân quay đầu về đất liền trong nỗi bức xúc khôn nguôi.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho hay, kể từ thời điểm Trung Quốc tự ban hành Luật Hải cảnh, tàu của ông Võ Lâm chính là trường hợp đầu tiên ở địa phương bị cướp bóc ngoài Hoàng Sa. "Dù tàu Trung Quốc không sử dụng vũ khí để tấn công như Luật Hải cảnh nêu, song hành vi đe dọa, cướp phương tiện hành nghề của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận.
Rõ ràng, nếu lực lượng Hải cảnh Trung Quốc căn cứ theo các nội dung của luật này để thực thi, đặc biệt là có quyền dùng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thì quả thực quá vô lý và vô nhân đạo", ông Hùng nói và khẳng định dù Trung Quốc có truy đuổi, cướp bóc hay thậm chí tấn công thì ngư dân ở địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt nhiều bậc nhất ngoài Hoàng Sa, vẫn kiên cường bám biển, bám đảo.
Minh chứng cho quả quyết chắc nịch của vị Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu là việc ông Võ Lâm và 3 bạn thuyền của mình ngay khi hoàn thành thời gian cách ly phòng COVID-19 đã liền lập tức trở lại ngư trường Hoàng Sa, dẫu vừa trải qua chuyến biển đầy cay đắng.
Ra khơi theo tổ, đội
Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, lệnh cấm đánh bắt là quá vô lý, đó là nhận định của ông Phan Huy Hoàng - người đã âm thầm dõi theo hành trình vươn khơi bám đảo của ngư dân trong suốt nhiều năm công tác ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi. Hiện tại, ông Hoàng đang đảm đương chức Chủ tịch của Hội Nghề cá Quảng Ngãi - tổ chức sẵn sàng lên tiếng mỗi khi ngư dân địa phương bị tàu "lạ" tấn công ở Hoàng Sa.
Trong thời gian Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, nhiều tàu cá Quảng Ngãi cập cảng Sa Kỳ, mang theo đầy ắp "lộc biển" từ Hoàng Sa.
Theo ông Hoàng, qua báo đài, ông hiểu được bản chất của Luật Hải cảnh mà Trung Quốc mới ban hành. "Việc Trung Quốc áp dụng Luật Hải cảnh mới đối với vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền như đường lưỡi bò là hoàn toàn sai. Nếu họ dùng vũ khí tấn công ngư dân thì quá vô lý.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi vươn khơi đánh bắt, ngay khi Trung Quốc tự ban hành Luật Hải cảnh, chúng tôi đã tăng cường nhắc nhở bà con phải hết sức cẩn trọng. Đừng có hành động bột phát để tàu Trung Quốc lấy cớ làm bậy", ông Hoàng chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng, để hạn chế sự uy hiếp của tàu Trung Quốc, ngư dân Quảng Ngãi thường ra khơi theo tổ, đội. Một tổ như vậy sẽ có khoảng 12-14 tàu và các tàu đánh bắt cách nhau khoảng 20 hải lý. Nếu tàu nào phát hiện tàu lạ áp sát thì ngay lập tức phát tín hiệu để những tàu còn lại nhanh chóng di chuyển tới hỗ trợ.
Đề cập đến Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, trước và sau khi Trung Quốc có động thái thực thi luật này, các cơ quan ban, ngành của địa phương vẫn thường xuyên vận động ngư dân ra khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Còn về câu chuyện lệnh cấm đánh bắt cá ngang ngược trên Biển Đông của Trung Quốc, hơn 2 thập kỷ nay, bà con ngư dân miền Trung chẳng hề e ngại, nao núng. Bằng chứng, hàng trăm con tàu công suất lớn vẫn cưỡi lớp sóng bạc đầu, vượt muôn trùng khơi để hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa.