Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 khiến Việt Nam được nhiều quốc gia nể trọng. Washington Post, một trong những tờ báo nổi tiếng nhất nước Mỹ đã dành một bài viết để tìm hiểu tại sao Việt Nam lại chống dịch hiệu quả dù có ngân sách không dư dả và nằm ngay cạnh Trung Quốc. VTC News xin lược dịch bài viết dưới đây.
Bệnh viện Bạch Mai chữa trị cho bệnh nhân trong đại dịch COVID-19.
Nước Mỹ vừa chạm vào cột mốc buồn trong cuộc chiến chống dịch. Gần 3 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận, chúng ta đã chứng kiến 58.220 người Mỹ chết do COVID-19. Trong khi đó, Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng suốt 2 tuần qua.
Dù có đường biên giới với Trung Quốc, ngân sách hạn chế cùng dân số 95 triệu người, Việt Nam vẫn chống dịch thành công. Chỉ có 270 ca nhiễm được ghi nhận, không có người chết. Quốc gia này bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa từ tháng 2, bắt đầu mở cửa nhà hàng hay các tiệm cắt tóc từ tuần trước.
Video: Tình báo Mỹ bác tin SARS-CoV-2 do con người tạo ra
Thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam "về cơ bản đã kiểm soát được dịch". Câu chuyện chống dịch của Việt Nam chưa được đón nhận trên toàn cầu như nhiều quốc gia, bởi thành công của họ không giống với bất cứ quốc gia nào khác.
Việt Nam không được biết đến với nền khoa học - công nghệ như Hàn Quốc, Đài Loan, không phải nước nhỏ, dễ kiểm soát như Hong Kong hay Iceland. Họ cũng không có lãnh đạo lôi cuốn như Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand, Angela Merkel của Đức hay những người phụ nữ đứng đầu quốc gia khác.
Khử khuẩn khu Trúc Bạch, Hà Nội.
Vậy điều gì đã giúp Việt Nam chống dịch thành công? Chuyên gia Robyn Klingler-Vidra đến từ King's College London và Trần Bá Linh đến từ Đại học Bath đưa ra 3 chiến thuật mang tính chìa khoá và được sử dụng rất thông minh, đưa Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của bệnh dịch. Đó là đo thân nhiệt, xét nghiệm, phong tỏa có mục tiêu và kiên trì sử dụng công cụ truyền thông.
Rất nhiều nước sử dụng phương án xét nghiệm. Mỹ đã xét nghiệm cho 5 triệu người, trong khi con số ở Việt Nam chỉ là 200.000. Tuy nhiên, nếu như các nước chỉ tính số người được xét nghiệm trên tổng số ca nhiễm được ghi nhận, Việt Nam lại làm khác.
Họ bắt đầu xét nghiệm từ sớm, tăng cường sản xuất bộ thử trong nước sau khi các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này được phát hiện với 3 du khách trở về từ Vũ Hán vào tháng 1.
Sau đó, Việt Nam đã tiến hành theo dõi diện rộng, với việc kiểm dịch nghiêm ngặt tại các cơ sở do chính phủ điều hành đối với những người nghi ngờ nhiễm virus corona chủng mới.
Chính phủ sử dụng hệ thống tin nhắn và ứng dụng điện thoại để tuyên truyền tới người dân suốt mùa dịch, cung cấp lượng lớn thông tin về dịch bệnh trên trang của Bộ Y tế. Việt Nam từng đối diện với Hội chứng hô hấp cấp SARS vào năm 2003 và cũng là nước đầu tiên chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh này.
Điều quan trọng là Việt Nam sớm nhận thức vấn đề ngay khi dịch bệnh bùng phát và học được từ sai lầm của Trung Quốc.
Đầu tháng 4, Tổng thống Donald Trump cảm ơn "những người bạn từ Việt Nam" vì đã cung cấp 450.000 thiết bị bảo hộ cho Mỹ. Nhiều doanh nghiệp cũng dự định chuyển tới Việt Nam để chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là nước đi hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước này.
Tổng thống Donald Trump.
Thành công của Việt Nam chủ yếu đến từ những quyết định quan trọng vào đầu năm 2020, thời điểm người Mỹ chủ yếu vẫn đang suy nghĩ mơ hồ về COVID-19. Mỹ không thể bẻ ngược thời gian, nhưng cần nhớ, cuộc chiến này chưa kết thúc.
"Chúng ta không được quên rằng chúng ta mới thắng những cuộc chiến đơn lẻ, chứ không phải thắng về toàn cục", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy.