Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bạo lực học đường: Có nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường?

(VTC News) -

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng khiến dư luận đặt ra câu hỏi có nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhà trường.

Bạo lực học đường là vấn đề không mới, song vẫn âm ỉ, thường xuyên diễn ra ở cả trong và ngoài các nhà trường. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, những clip bạo lực học đường lan truyền trên mạng càng làm sâu sắc hơn nữa tổn thương tâm lý cho những nạn nhân bị bạo lực. Dù đã có nhiều giải pháp, song tình trạng này vẫn tiếp diễn để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe, tinh thần, thậm chí tính mạng của học sinh.

TS Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

TS Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT).

- Vụ trưởng có nhận định gì về tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian gần đây?

Ngành giáo dục với khoảng trên 25 triệu người học, số lượng người học là trẻ em chiếm khoảng trên 23 triệu người, xấp xỉ 1/4 dân số cả nước. Bộ GD&ĐT luôn ý thức và thực hiện công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của ngành. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về GD&ĐT, trong đó công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, với tổng hợp báo cáo của 49/63 tỉnh/thành phố cho thấy, số các vụ việc năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 cao nhất và giảm dần vào các năm gần đây. Số đối tượng tham gia cũng có chiều hướng giảm. Năm 2021 - 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan. Số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.

Thực tế con số này sẽ lớn hơn rất nhiều, do người từng gây ra bạo lực hoặc bị bạo lực là một trong những biểu hiện để xác định người có nguy cơ liên quan đến bạo lực thì con số nhỏ nhất cũng phải là 7.075 người, chưa tính tới những biểu hiện khác. Điều này cho thấy, công tác tư vấn, can thiệp, hỗ trợ học sinh là rất quan trọng để tránh xảy ra bạo lực học đường nói riêng và bạo lực nói chung.

Một điều đáng buồn là trong thời gian qua, cả nước có đến 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường bị xử lý kỷ luật do liên quan đến bạo lực học đường hoặc xâm hại tình dục trẻ em.

Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong nhà trường, mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có điểm chung là để lại những tổn thương nghiêm trọng về cả sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng cho nạn nhân.

- Cùng với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, nhiều vụ bạo lực học đường hiện nay còn được quay clip, đăng lên mạng, ông đánh giá sao về tình trạng này?

Trong thời gian vừa qua có thể thấy rằng, toàn ngành Giáo dục đã quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Chất lượng môi trường giáo dục ngày càng được tăng lên, tình trạng bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thiết bị cầm tay thì việc ghi lại các vụ việc học sinh đánh nhau ở ngoài trường học và phát tán trên mạng xã hội, sự thiếu hiểu biết khi sử dụng hình ảnh của người khác… đã đặt ra một vấn đề mới về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Công tác này ngày càng phức tạp tăng tiến cùng với sự phát triển của xã hội công nghệ.

Việc đăng các clip bạo lực học đường lên mạng rất nguy hại, ảnh hưởng đến cả nạn nhân bị bạo lực và cả những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường. Để giảm thiểu tình trạng này, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin trong học sinh, sinh viên nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật để các em hiểu rằng hành vi này sẽ phải đối mặt với những chế tài xử lý ra sao. Tuy nhiên việc kiểm soát tình trạng đăng các clip bạo lực học đường lên mạng rất khó, bởi đối tượng đăng không chỉ là học sinh, sinh viên, mà đôi khi còn là những người đi đường, hay bất kỳ ai chứng kiến vụ việc.

Hiện nay Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng đề án ngăn chặn các vi phạm vi phạm quy định sử dụng mạng xã hội cũng như trên môi trường mạng đối với học sinh, sinh viên.

- Hiện nay tại các trường đều có phòng tư vấn tâm lý học đường, tuy nhiên nhiều vụ bạo lực học đường khi phát hiện đều đã ở mức độ nghiêm trọng, ông đánh giá sao về hiệu quả phòng ngừa, can thiệp, tư vấn tâm lý của bộ phận tư vấn học đường hiện nay. Bên cạnh đó nếu để xảy ra các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng có nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục không, thưa ông?

Hiện nay các trường đều có phòng tư vấn tâm lý học đường, nếu mỗi trường chỉ cần có 1 cán bộ tư vấn tâm lý, nhân với số trường học trên cả nước, thì con số này vô cùng lớn. Đây cũng là mong muốn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay, phòng tư vấn tâm lý học đường không chỉ tư vấn hỗ trợ các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, mà còn có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ tâm lý chung cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay ngành Giáo dục đang gặp vướng mắc khi không có biên chế cho đội ngũ tư vấn tâm lý tại các trường học.

Tại các trường công lập, cán bộ tư vấn tâm lý chủ yếu vẫn là giáo viên thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, cũng bởi vậy mà họ rất khó để dồn toàn tâm vào hoạt động này.

Câu chuyện đặt ra có nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu hay không? Nếu quy trách nhiệm người đứng đầu, chắc chắc họ sẽ có tinh thần trách nhiệm cao hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp người đứng đầu các nhà trường cũng không biết và không có điều kiện để biết thông tin về các vụ bạo lực học đường, do đó việc quy trách nhiệm này cũng cần hết sức cẩn trọng.

Song cần nhấn mạnh rằng, trường hợp giáo viên, nhà trường phát hiện học sinh có những biểu hiện bị bắt nạt, có những dấu hiệu của bạo lực học đường nhưng không xử lý, can thiệp thậm chí học sinh có báo cáo nhưng lại thờ ơ không giải quyết thì trách nhiệm của nhà trường là rất nặng.

Ngay khi phát hiện có những mâu thuẫn trong học sinh có thể dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, trước hết giáo viên cần có có hành động cụ thể như khuyên răn, chia sẻ với học sinh để các em hiểu nhau hơn, giảng hòa, trường hợp khó hơn cần báo cáo Hiệu trưởng nhà trường thậm chí nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý.

Bạo lực học đường không chỉ diễn ra trong khuôn khổ nhà trường mà có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đa số các vụ bạo lực diễn ra ngoài nhà trường, việc kiểm soát không hề dễ dàng. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng này cần sự vào cuộc, gắn kết chặt chẽ giữa cả nhà trường, gia đình và sự giám sát các cơ quan khác như công an, đoàn thanh niên và toàn xã hội.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Trang (VOV.VN)

Tin mới