Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bảo hiểm y tế học sinh tăng cao: Người phát ngôn Chính phủ lý giải

Người phát ngôn của Chính phủ đã giải thích cụ thể xung quanh việc nâng mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên khiến xôn xao dư luận thời gian qua.

(VTC News) - Người phát ngôn của Chính phủ đã giải thích cụ thể xung quanh việc nâng mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên khiến xôn xao dư luận thời gian qua.


Vừa qua, việc thu Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên (HSSV) theo quy định mới (đóng 15 tháng thay vì 12 tháng, mức đóng cao theo lương) gây khó khăn cho nhiều gia đình, phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn.



Bên cạnh đó, nhiều trường học và địa phương lúng túng trong việc thu phí bảo hiểm y tế. Trong khi đó, quá trình triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc trong khám, chữa bệnh học sinh, sinh viên còn bất cập, chưa hiệu quả.


Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ở tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN) 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết quan điểm của Chính phủ đã được nêu tại Chỉ thị 05/CT-TTg về tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT).



“Quá trình thực hiện phải bảo đảm công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên lưu ý.



Theo báo cáo của Bộ Y tế, về thời gian đóng BHYT, để thống nhất việc thu, đóng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), thanh quyết toán chi phí, Thông tư liên tịch số 41/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính đã hướng dẫn việc thu BHYT theo năm tài chính thay vì thu theo năm học như trước đây, nghĩa là từ 01/01 đến 31/12 của năm.



Quy định áp dụng thống nhất tất cả các nhóm đối tượng trong nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi tham gia BHYT.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi báo chí chiều 1/10 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Năm học 2015-2016 là năm đầu triển khai theo cách thu mới. Số tháng được tính gồm 12 tháng của năm 2016 và 03 tháng còn lại của năm 2015 (theo cách thu cũ), tổng cộng là 15 tháng, các năm sau là 12 tháng.



Tuy nhiên, khi thực hiện, một số cơ sở giáo dục

thu gộp 15 tháng đóng một lần bảo hiểm y tế

gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH VN đã chỉ đạo các cơ sở thu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC.



“Việc thực hiện thu với thời gian 06 tháng/lần. Riêng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ thu trước 03 tháng năm 2015. Hiện tại Bộ Y tế, BHXH VN phối hợp với các cơ quan chức năng đang giám sát, kiểm tra việc thực hiện thu BHYT theo chỉ đạo trên”, ông Nên thông tin.



Về việc điều chỉnh mức đóng BHYT, theo quy định pháp luật về BHYT có hiệu lực từ 01/01/2015, mức đóng BHYT của các đối tượng, trong đó có HSSV được điều chỉnh từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở để phù hợp với yêu cầu mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.



Bên cạnh đó, quy định cũng nâng mức thanh toán khám, chữa bệnh cho người nghèo từ 95% lên 100%, cận nghèo từ 80% lên 95%; đồng thời thống nhất mức đóng giữa các đối tượng tham gia.

Việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT nhưng cơ bản HSSV đều được NSNN hỗ trợ đóng BHYT ở các mức khác nhau.



“Học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của đối tượng thuộc Lực lượng vũ trang được NSNN đóng 100%.



Học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT, HSSV đóng 30% là 186.300 đồng/năm



Học sinh sinh viên khác được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT, HSSV đóng 70% là 434.700 đồng/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin.


Phạm Thịnh


Nguồn:

Tin mới