“Việt Nam cho thấy mô hình kiềm chế dịch bệnh hiệu quả ở một đất nước có nguồn lực hạn chế nhưng sự lãnh đạo quyết tâm”, tờ Dhaka Tribune viết.
Báo Bangladesh nhận xét, dù Việt Nam ở gần Trung Quốc - trung tâm bùng phát dịch nhưng chỉ có 245 ca lây nhiễm với 95 bệnh nhân đã phục hồi.
Người dân Bangladesh đổ xô về nhà hôm 5/4 vì lo ngại nhiễm virus corona. (Ảnh: Dhaka Tribune)
Báo Dhaka Tribune của Bangladesh đánh giá cao cách Việt Nam tập trung vào cách ly người mắc bệnh và truy tìm những người tiếp xúc cấp F2, F3.
Các biện pháp được thực hiện từ rất sớm, bao gồm cả việc cách ly quy mô lớn vùng có người mắc bệnh, ngay từ lúc trên cả nước mới chỉ ghi nhận 10 ca.
“Thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế Covid-19 phụ thuộc một phần vào việc họ huy động nhân viên y tế và quân sự, cách giám sát, cũng như nhờ vào mạng lưới thông tin”.
Tờ Dhaka Tribune dẫn chứng việc các nhân viên an ninh được huy động trên mọi con phố và khu vực dân cư, giảm khả năng để “lọt lưới” các trường hợp vi phạm quy định.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có biện pháp xử phạt nghiêm với nạn tin giả, khi có khoảng 800 người chia sẻ tin sai sự thật về Covid-19 đã bị phạt.
Video: Việt Nam cách ly khu vực có ca bệnh Covid-19
Báo Bangladesh cho rõ, "bài học thứ ba là cách Việt Nam tuyên truyền và vận động toàn xã hội chống lại Covid-19".
Cuộc vận động “kiểu thời chiến” đã chạm đến nhiều người Việt Nam, những người tự hào về khả năng cùng nhau chống lại thảm họa và trải qua khó khăn, theo Dhaka Tribune.
Chiến dịch thông tin đại chúng về dịch bệnh của Việt Nam cũng được đánh giá cao, nổi bật với bài hát "Ghen Covy" về cách rửa tay “gây bão” trên mạng xã hội.
Tờ báo dẫn lời đánh giá ông Carl Thayer, Giáo sư Đại học New South Wales (Australia) rằng, “Việt Nam là một xã hội vận động” và rất giỏi trong việc phản ứng với các thảm họa tự nhiên.
Hiện Bangladesh có 123 ca nhiễm virus corona, trong đó 12 trường hợp thiệt mạng.