Một bức tranh bình dị được vẽ ra từ gia đình nhỏ ở đường số 8, phường Tam Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM). Đó là gia đình trong căn gác trọ của chị Lê Thị Chiêu và anh Đặng Anh Phước.
Cuộc sống có phần khó khăn nhưng gia đình anh chị luôn đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc với 3 con lớn và 1 đứa bé sắp chào đời.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi từ cách đây 2 tháng, khi cô con gái lớn của anh chị mất tích.
Hành trình 2 tháng tìm con
Bình thường, bé Phương Linh, con gái lớn của chị Chiêu sẽ theo mẹ ra bán bánh mì ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Cách đây gần 2 tháng, chị Chiêu thấy con mệt nên cho bé ở nhà với bố, chị đi bán một mình. Khi đến nơi, chị nhận được cuộc gọi từ anh Phước báo tin bé Linh đang trên đường đón xe đi theo mẹ.
“Thỉnh thoảng Linh vẫn đi theo tôi một mình như vậy, con bé rất lanh lợi nên tôi yên tâm lắm”, chi Chiêu nói.
Căn trọ nhỏ không có vật dụng giá trị của gia đình anh Phước, chị Chiêu.
Nhưng đợi mãi chị vẫn chưa thấy con đến nơi. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị gấp rút dọn hàng chạy khắp các ngõ ngách của phố đi bộ để tìm con. Thấy đứa bé nào, chị cũng lại xem nhưng tất cả đều không phải bé Linh.
Còn anh Phước, sợ con xảy ra chuyện xấu nên báo cho cơ quan chức năng và đăng thông tin lên trang mạng cá nhân nhờ giúp đỡ.
Những ngày tiếp sau đó, hai vợ chồng chị Chiêu bỏ hết việc, gửi 2 con nhỏ cho ông bà ngoại để đi tìm bé Linh. Những con đường quen thuộc bé từng đi qua anh chị đều tìm hết nhưng vẫn không có kết quả.
Những ngày tìm con là những ngày anh chị không có thu nhập. Để tiếp tục có kinh phí, anh Phước đành mang nốt số tiền cuối cùng dành dụm cho vợ đi sinh ra để dùng.
“Số tiền ít nên vợ chồng tôi chỉ dám đi xe buýt những tuyến chính, còn lại thì đi bộ, ăn cơm, uống nước miễn phí”, chị Chiêu nhớ lại.
Đi tìm con suốt gần 2 tháng, họ ngược xuôi khắp nơi, nơi nào có thông tin, anh Phước lại cùng vợ bắt xe buýt đến. Thế nhưng, lần nào họ cũng thất vọng, lủi thủi đi về. Đến cả bữa cơm, anh chị cũng không màng nhớ đến.
Mệt mỏi, hết tiền, cái thai lại hay đau vì đi bộ nhiều, có lúc chị Chiêu đã muốn dừng lại. Nhưng vừa nhớ con, vừa nghĩ đến những chuyện xấu có thể xảy ra, chị lại bảo bụng dạ phải quyết tâm tìm tiếp.
“Kể từ ngày con bé mất tích, cuộc sống của gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Tìm không gặp con nên lúc nào hai vợ chồng cũng căng thẳng, to tiếng với nhau.
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến kỳ sinh nở nhưng cuộc sống khó khăn khiến chị Chiêu không dám nghĩ đến việc nghỉ ngơi.
Vợ tôi đang mang thai nhưng nhớ con nên khóc cả ngày, chẳng chịu ăn uống, đêm ngủ vật vờ, tôi lại lo thêm vì sợ ảnh hưởng đến đứa bé trong bụng”, anh Phước nói.
Đến khi hết số tiền dành dụm, anh Phước lại bán hết các vật dụng có giá trị trong nhà như tivi, tủ lạnh và cả chiếc điện thoại di động của anh để có tiền tiếp tục đi tìm con.
Anh chia sẻ: “Hôm nào vợ khỏe, thì tôi để cô ấy đi tìm một mình, tôi đi làm kiếm tiền xoay sở trong nhà. Đi làm chứ tôi sốt ruột lắm, cứ nghĩ về con. Nhiều lúc thất thần, tôi làm hỏng việc, bị ông chủ nhắc nhở hoài”.
Thương nhớ con gái nhiều quá, đêm về, chị Chiêu hay mơ thấy bé Linh. Mơ thấy ở đâu là sáng hôm sau chị đi đến nơi đó với hy vọng sẽ có phép màu xảy ra.
Có lần, chị mơ thấy người quen bảo rằng bé Linh đang ở Vũng Tàu. Sáng hôm sau, chị đi xe buýt đến Vũng Tàu tìm con, nhưng một lần nữa chị thất vọng quay về.
“Dạo gần đây tôi nghe nhiều người nói rằng, con nít bây giờ hay bị bắt cóc bán sang Trung Quốc. Còn nếu ở Việt Nam thì cũng bắt đi ăn xin, bán vé số, làm không xong còn bị đánh đập, hành hạ. Nghĩ đến những việc đó, nước mắt tôi cứ tuôn ra, không thể nào ngồi yên được, phải đi tìm con về ngay”, chị Chiêu nói.
Sau niềm vui là nỗi lo chồng chất
Sau 50 ngày tìm con, gia đình chị Chiêu hết sạch tiền. Tưởng như chẳng con sức lực để chống chọi với cuộc sống mưu sinh và nỗi đau mất con, anh chị đành buông xuôi, chấp nhận số phận.
Nhưng niềm vui tìm đến với gia đình anh chị ngay sau đó.
“Hôm đó có số điện thoại lạ gọi đến, tôi nhấc máy lên thì sững người vì nhận được thông tin con đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (phường Tam Bình, quận Thủ Đức - PV)”, chị hồi tưởng.
Nhận được tin, 2 vợ chồng chị đi bộ hơn 5km để tìm đến trung tâm. Phép màu xuất hiện với đôi vợ chồng nghèo khi nhìn thấy con gái vẫn khỏe mạnh và trắng trẻo.
Hiện bé Linh đã được gửi nhờ mẹ chị Chiêu chăm sóc.
“Gặp được con, tôi hạnh phúc lắm, gia đình tôi cứ quấn lấy nhau, không muốn rời. Tôi rất nhớ con, bé cũng đòi bố mẹ chở về nhà nhưng hôm đó là thứ 7, tôi không thể đón cháu về được”, chị Chiêu kể lại.
Theo cán bộ của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, sau khi ngủ quên trên tuyến xe buýt số 19, bé Linh ở lại bến xe và được tổ tuần tra của UBND phường 5 (quận 8) phát hiện, đưa đến ủy ban phường.
Sau nỗ lực tìm kiếm người thân không được, bé được đưa đến Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình (phường Tam Bình, quận Thủ Đức).
Từ khi đón bé Linh về nhà, lo sợ con đòi theo mẹ, sẽ đi lạc một lần nữa nên anh chị gửi bé Linh sang nhà ông bà ngoại. Khi công việc ổn định trở lại, anh chị sẽ cho bé đi học như các bạn cùng trang lứa.
Trong căn trọ nhỏ chưa đầy 10m2 của anh chị giờ đây chỉ còn lại vài bộ quần áo, một bếp gas mini đã rỉ sét, bát đũa và các vât dụng đi bán bánh mì của chị Chiêu.
“Bây giờ, tìm được con tôi rất hạnh phúc nhưng cũng lo lắng nhiều. Trong thời gian đi tìm con, vợ chồng tôi bán hết các đồ dùng có giá trị trong nhà, số tiền dành dụm cho vợ đi sinh cũng mang ra làm lộ phí đi đường.
Hiện tại, cả nhà tôi chỉ còn mấy chục ngàn, không dám ăn vì để cho vợ làm vốn bán bánh mì. Thời gian gần đây, vợ chồng tôi nhiều bữa chỉ ăn cơm chan nước mắm, 2 con nhỏ thì ăn cháo đóng gói qua ngày.
Hai tháng tìm con, tiền trọ cũng chưa đóng được, vợ chồng đi làm mỗi ngày được bao nhiêu thì trả góp dần cho chủ trọ bấy nhiêu. Lúc này tôi không có việc làm, mấy hôm mới có người gọi đi phụ hồ một lần nên không đủ tiền xoay sở”, anh Phước tâm sự.
Mấy hôm nay không có ai gọi đi làm, anh Phước chỉ ở nhà chăm sóc mấy đứa con nhỏ cho chị Chiêu đi bán. Thấy vợ nhiều lần đau bụng, mệt mỏi vì sắp đến ngày sinh nhưng vẫn phải vật lộn bươn chải, kiếm từng ngàn lẻ để lo cho gia đình, anh không tránh khỏi cảm giác buồn tủi.
Còn chị Chiêu, nghẹn ngào chia sẻ: “Vợ chồng tôi không ăn gì cũng được, nhưng mấy đứa nhỏ thì phải ăn để lớn. Nhưng tiền không có, nên khi nào tụi nhỏ đói chỉ có cháo gói để ăn”.
Video: Đau xót nữ giáo viên cắm bản không có tiền phẫu thuật hạch to trên cổ